Giới thiệu về tôi

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2016

‘Life is Beautiful’, lời nói dối vĩ đại


Một khoảnh khắc đẹp và ngọt ngào trong phim

Nguồn: http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/life-is-beautiful-loi-noi-doi-vi-dai.html

Câu chuyện trí thức hay là bàn về trách nhiệm xã hội của những người hiểu biết

Lối Sống Tối Giản Hóa Trở Thành Trào Lưu Mới Của Giới Trẻ Nhật

Hà Lan sắp đóng cửa hết nhà tù vì đất nước... quá an toàn

9 yếu tố khiến bạn sống không hạnh phúc

Nền Tảng Triết Lý Của Mohandas Gandhi

TOÀN CẦU HÓA HIỆN NAY VÀ QUÁ TRÌNH DÂN CHỦ HÓA XÃ HỘI

Immanuel Kant từ triết học phê phán đến nghiên cứu con người

KHÔNG GIAN TINH THẦN

Nguyễn Trần Bạt

Nguồn: http://vanhoahoc.vn/gioi-thieu/48-thu-ngo.html

Nghệ Thuật của Sự Lắng Nghe

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2016

RABINDRANATH TAGORE – TÌNH YÊU

                              Rabindranath Tagore (1861 - 1941) 

Rabindranath Tagore (1861 – 1941), Ấn Độ  – Thiên tài thơ kiệt xuất được ban cho nhân loại. Hiện thân của tình yêu ngự trị nơi thế gian để cứu vớt tâm hồn con người.

Tất cả ngôn từ tốt đẹp nhất đã được dùng để vinh danh ông:  "Kỳ công của Tạo hóa" ; "Nghệ Sĩ lớn" ; "Nghệ Sĩ bậc thầy" ; "Đại vĩ nhân"; "Lãnh tụ của đức tin" ; "Một quá trình tiến hoá của tư tưởng từ bao thế kỷ cuối cùng đã tìm thấy điểm đến nơi ông" ; "một hiện tượng của thế kỷ" ...; "sức mạnh của Tạo Hóa thổi vào nền văn học ”...; "Rabindranath Tagore là nhà văn toàn diện, đầy đủ bậc nhất trên thế giới."

Khi giã từ cõi thế gian đắm say say này, ông để lại nhiều tác phẩm, bao gồm các lĩnh vực: hội họa, âm nhạc, kịch… và 52 tập thơ với hơn 3000 bài thơ; mà công trình Thơ Dâng (Gitanjali) được trao tặng giải thưởng Nobel Văn học (1913), trở thành kiệt tác cao quí nhất của thơ ca nhân loại.

Thơ Dâng (Gitanjali) là tập thơ kỳ vĩ, thể hiện tư tưởng trữ tình, lãng mạn tuyệt cùng về tình yêu con người.

Chút tình riêng trong trái tim ông –  là tình yêu lứa đôi đằm thắm, thơ mộng, thanh cao; cho và nhận của nhau rất trong sáng, giản dị, …: 

[ …]

Không bí ẩn nào ngoài phút giây này; không cố gắng đạt điều bất khả; không bóng tối nấp sau điều quyến rũ; không lần bước đi trong đêm sâu.

Tình yêu giữa chúng ta giản dị như bài ca.

Không lạc ngoài ngôn từ vào vùng lặng im vĩnh cửu; không với tay tới hư vô để níu kéo những vô vọng.

Cho và nhận của nhau là đủ.

Không ép kiệt trái hân hoan vắt thành rượu đau khổ. [ …] (Giản dị như bài ca – Hàn Thủy dịch) 

Với Tagore, tôn giáo phải gắn với tình yêu; tôn giáo không phải là cách để giúp con người lẩn trốn khỏi thế giới đời thường. Ông gọi tôn giáo của mình là "tôn giáo của nhà thơ" ,và mặc định: "tôn giáo của tôi là tôn giáo của con người" .

Cuộc đời quá đỗi điêu linh, ông chọn thái độ nhập thế để thi hành bổn phận và trọng trách làm người trước thế giới, sẵn sàng xả thân. Ông viết trong Gitanjali (Thơ Dâng) với tất cả lòng thành:

Không còn phải trôi từ bến này sang bến khác với chiếc thuyền tôi nay đã bão vùi gió dập...

Giờ đây, tôi đang háo hức để chết trong sự bất tử

R. Tagore tin tưởng ở sự màu nhiệm, suốt đời chỉ vì tình yêu dâng hiến. Ông là nhà thơ sẵn sàng phá tan vỏ bọc trái tim mình mà tiến tới:

Hãy sẵn sàng mà tiến tới, tim của ta

Bỏ lại những kẻ chần chừ

Bỡi tên của ngươi đã được gọi to trên bầu trời xanh buổi sáng.

Chờ gì nữa!

Nỗi khát khao của nụ hoa là đêm tối và sương khuya; nhưng hoa đã nở thì đòi ánh sáng tự do

Hãy phá tan vỏ bọc đi, tim của ta ơi và tiến tới!

(Bài số 08 – Mùa hái quả;  người dịch: Phụng Vũ Cửu Thiên)

Như có tuệ nhãn nhìn xuyên thấu vào tâm hồn nhân loại, tứ thơ ông nâng niu, khơi dậy, đề cao sự thánh thiện ẩn giấu bên trong bản chất của con người. Tagore đặc biệt quan tâm khai sáng đời sống nội tâm, khai mở miền tâm linh và mong ước mọi người sẽ thấu hiểu được cái vĩnh hằng, vượt qua sự tầm thường nhỏ nhặt của cuộc sống.

Với tình yêu bao la của mình, Tagor dâng cho nhân loại thống khổ một trái tim bác ái, chan chứa vị tha. Nhưng trên hết đó là bậc chí nhân, bậc hiền minh tối thượng – một nhân cách, phẩm chất không thể thiếu của người Nghệ Sĩ. Một thi nhân rạo rực yêu; một trí thức thấm đẫm tinh hoa tư tưởng minh triết những tôn giáo lớn của nhân loại; luôn tôn kính điều bí ẩn của Tạo Hóa trong thiên nhiên hùng vĩ, để trưởng dưỡng đức tin sáng láng, làm điểm tựa vững chắc và bệ phóng cho thơ:

Buổi sáng ngày sinh nhật ấy,

Với niềm tôn kính

Tôi đưa mắt hướng về mặt trời mọc.

Và thấy rạng đông

Ban phép lành

Trên vầng trán bạc của những rặng núi.

Tôi lặng ngắm

Mênh mông bao la

Trong lòng tạo hoá

Trên ngai vị chúa tể núi non.

Tự bao đời, với uy nghi vương giả,

Ngài giữ gìn điều không ai biết

Trong rừng sâu không lối mòn;

Cái xẻ ngang trời, phía xa,

Nằm cuộn tròn

Giữa bình minh và hoàng hôn

Trong ngày sinh nhật này,

Mênh mông bao la trong tim tôi dâng đầy.

[…]

(Sinh nhật –  Hàn Thủy dịch)

Trái tim thi sĩ chỉ sợ những phút yếu đuối, héo khô, quì gối trước ham muốn thấp hèn:

Khi trái tim tôi cứng rắn và héo khô

Hãy đến bên tôi bằng mưa rào ân đức.

[…]

Khi ở góc tối, trái tim tôi quỳ gối cầu xin,

Hãy mở cảnh cửa và đến bên tôi bằng nghi thức của bậc đế vương.

Khi ham muốn làm mờ trí óc tôi, với bao ảo tưởng và bụi bặm,

Hỡi đấng thiêng liêng,

Xin hãy đến bên tôi bằng ánh sáng và sấm sét của Người.

(Trái tim cầu xin –Vũ Hoàng Linh dịch)

Đây là lời thỉnh nguyện cao cả của ông để có đủ nghị lực và sức mạnh phụng sự tình yêu:

Đây là lời cầu nguyện của tôi tới Người –Thượng đế của tôi

Hãy đánh gục những mầm mống của nỗi khốn cùng trong tim tôi.

Hãy trao tôi sức mạnh để chịu đựng niềm vui và nỗi đau.

Hãy trao tôi sức mạnh để khiến tình yêu tôi sinh sôi trong phụng sự.

Hãy trao tôi sức mạnh để không bao giờ tôi chối bỏ người nghèo hay quỳ gối trước bạo quyền láo xược.

Hãy trao tôi sức mạnh để tâm trí tôi vượt trên những vặt vãnh hàng ngày.

Và hãy trao tôi sức mạnh để tôi hiến dâng sức mạnh mình cho ý chí của Người với tình yêu.

(Hãy trao tôi sức mạnh – Vũ Hoàng Linh dịch)

Tư duy thơ ông thanh khiết, trung dung, tương hợp mọi thời. Trí tuệ rạng ngời, hồn hậu, đa mang... Nhà thơ yêu tất cả không phân biệt. Ông yêu quí sự bình đẳng, cho dù là một chiếc lá cỏ nhỏ nhoi bình thường thì vẫn đương nhiên, đường hoàng sống như một bản mệnh tự tại, song hành cùng mọi tạo vật vĩ đại biến dịch vô thường cùa Tạo Hóa: Trong sân chầu vũ trụ – Chiếc lá cỏ bình thường – Cùng ngồi chung một thảm – Với mặt trời – Và sao sáng trong đêm. (Bài số 74 – Tâm tình hiến dâng)

Dành tất cả sự ưu ái cho đồng loại, tin ở bản chất tình yêu con người:

Tôi tin ở tình yêu của con người

đó là lời nói sau cùng của tôi

(Bài số 325 – Những con chim bay lạc – Đào Xuân Quý dịch)

Ông rất yêu trẻ con và sẵn sàng hợp đồng phục vụ vô điều kiện:

[…]

Ánh mặt trời long lanh trên cát,

Và sóng vỗ rì rào;

Một cậu bé ngồi chơi với dăm vỏ ốc.

Cậu ngẩng đầu lên, và dường như cậu nhận ra tôi

rồi nói: “Tôi thuê anh với hai bàn tay trắng”

Và từ khi bản hợp đồng được ký chơi với cậu bé.

Tôi trở thành người tự do.

(Bản hợp đồng cuối cùng – Đào Xuân Qúi dịch)

Có thể nói rằng, tư tưởng nổi bật trong thơ Tagore là tiến trình kêu gọi yêu thương trong sự hòa hợp. Ông bộc bạch: Tôi có thể hiến cả đời tôi – Cho lòng tin tưởng – Sự hoà hợp là có thực – Tình yêu là có thực.

Hòa hợp để cùng gắn bó bên nhau trong môi trường sống yên bình – một đời sống an nhiên, thảnh thơi, quên đi những ưu phiền, lo toan vất vả, vui đùa cùng cỏ cây hoa lá…:

Bóng mây thu lướt trên đồng lúa vàng xanh, mặt trời theo sau vun vút đuổi bắt.

Ong quên hút mật, say nhừ ánh dương, ngẩn ngơ bay bay lượn lượn.

Trên gò đất giữa dòng sông đàn vịt thi nhau cất tiếng kêu bâng quơ.

Này, anh em ơi, sáng nay đừng ai về nhà nhé, đừng ai đi làm nhé, nghe chưa.

Chúng mình sẽ bắt giữ trời xanh bằng phong ba và cướp phá không gian khi cùng nhau ùa chạy.

Tiếng cười bồng bềnh trôi trong khoảng không như bọt sóng dập dờn trên mặt nước tràn mênh mông.

Này, anh em ơi, ta hãy tiêu hoang sáng nay bằng những bài ca vu vơ, tầm phào, nghe chưa.

(Bài số 84, tập Người Làm Vườn –  Đỗ Khánh Hoan dịch)

Hòa hợp để cộng hưởng tình nhân loại, xóa bỏ lòng thù hận, biết yêu những khoảnh khắc ngắn ngủi của đời người, chia sẻ cùng nhau, “vui lên mà sống” cho trọn kiếp người:

Chẳng ai sống trên đời kiếp kiếp

Chẳng cái gì vĩnh viễn không phai

Này, người anh em, hãy nhớ kỹ điều đó và vui lên mà sống

Đời ta sống đâu phải gánh nặng duy nhất từ xưa để lại

Đường ta đi đâu phải cuộc hành trình đơn độc dài vô tận, vô cùng

Một thi nhân chẳng phải viết bài ca trường cửu

Hoa nở rồi tàn, nhưng ai đó đã cài hoa lên áo

Cũng chẳng cần khóc thương hoa mãi mãi

Này, người anh em, hãy nhớ kỹ điều đó và vui lên mà sống...

Đời ta hăm hở ước vọng thiết tha

vì thời gian sẽ điểm giờ vĩnh biệt

Này, người anh em, hãy nhớ kỹ điều đó và vui lên mà sống.

(Tâm tình hiến dâng  – Đỗ Khánh Hoan dịch)

Thời đại ông, sự cai trị của ngoại bang và cường quyền ở Ấn Độ, đàn áp, bức hại đời sống dân lành, gây phẫn nộ, tạo ra làn sóng yêu nước gắn liền với cuộc đấu tranh chống thực dân Anh, do Mahatma Gandhi lãnh đạo, đang lan rộng và quyết liệt. Thế lực hung hăng, kiêu hãnh, dày xéo, dẫm đạp lên những thân phận yếu đuối, hèn mọn; nhưng với trái tim bao dung trọn vẹn, nhà thơ sẵn sàng dung thứ, bởi ông cho rằng đó là ngày của họ; ông đứng chung cùng những kẻ thấp hèn đã từng chịu khổ đau và chia sẻ niềm tin tuyệt đối: một ngày kia những quyền lực tham lam sẽ lụi tàn không thể khác:

Những kẻ đi trên đường kiêu hãnh,

xéo dưới chân mình những cuộc đòi hèn mọn,

Và dùng những vết chân đẫm máu

phủ lên màu xanh mát mẻ của đất tươi.

Chúa ơi, xin hãy để cho họ cười vui

Và cảm tạ ơn người,

Bởi đó là ngày của họ.

Nhưng còn tôi,tôi cảm tạ ơn người

đã cho số phận tôi cùng chung với kẻ thấp hèn

đã từng chịu khổ đau

và mang cả gánh nặng cường quyền

và phải giấu mặt đi

bó nghẹn lời mình trong bóng tối.

Bởi từng mạch máu đau thương của họ

Đã đập trong đêm sâu bí ẩn của Người,

Và mỗi lời thóa mạ đều đã được thu vào

Trong sự lặng im to lớn của Người,

và ngày mai là của họ

Hởi Vầng Dương, hãy mọc lên

trên những trái tim chảy máu

đang nở thành hoa của buổi sớm mai;

Và ánh lửa truy hoan của ngọn đuốc kiêu căng

sẽ lụi đi thành một đám tro tàn.

(Lễ tạ ơn – Đông Hồ dịch)

Tâm tình dào dạt, luôn hướng đến tương lai tươi đẹp, viên mãn, ông dự cảm một Thiên đường nơi trần gian sẽ được tạo dựng, khi tình yêu và nỗi khao khát trong ta trỗi dậy:

Thiên đường là đâu? Con hỏi cha.

Các nhà hiền triết bảo chúng ta thiên đường ở ngoài biên giới của sống và chết, nó không bị lay động bởi nhịp điệu của ngày và đêm, nó không ở nơi trái đất này.

Nhưng nhà thơ biết rằng nỗi khao khát vô tận của thiên đường là thời gian và khoảng không, và nó luôn khao khát được sinh ra trong cát bụi tốt tươi.

Thiên đường ở trong cơ thể ngọt ngào của con, con ơi, ở trong trái tim thổn thức của con.

Biển cả rung trống hân hoan, những bông hoa nhón chân để hôn con. Và thiên đường được sinh ra trong con, ở trong vòng tay của mẹ – cát bụi.

(Thiên đường là đâu – Vũ Hoàng Linh dịch)

Có bao nhiêu người trong chúng ta đã từng suy tư về một “Thiên đường” như ông? Nhưng, chắc rằng loài người chưa bao giờ xa rời lý tưởng và ước vọng thiêng liêng của mình. Đời là một chuỗi mộng mơ dài theo tháng năm; mà lý tưởng... chỉ có thể trở thành hiện thực, khi cái đẹp bản thể của mỗi con người được phát lộ. Dù sao chăng nữa, hãy tin ở sự huyền nhiệm để chúc phúc cho nhau. Và, “Biên Niên Sử Tình Yêu” đã khắc ghi chân dung Tagor đẹp rạng ngời, nâng ly rượu đượm nồng hương thơm ngây ngất tình người dâng tặng cho nhân loại, không thể nào phôi pha:

Ngày tử thần đến gõ cửa nhà ngươi.

ngươi sẽ có gì để hiến?

Ôi, tôi sẽ đặt trước mặt người khách ấy

cái ly đời đầy ắp của tôi –

Tôi sẽ không bao giờ

để cho người, tay trắng ra đi.

(Thơ Dâng, trích từ Tuyển tập thơ Tagore, bài số 090  – Đào Xuân Quý dịch)

Tagor bộc trực khẳng khái; khí phách lồng lộng, ung dung; thổ lộ tất cả sự hồn nhiên, hăm hở, can trường, hào sảng, trìu mến với “Nghiệp Yêu”. Gói ghém tâm tư giản dị trong vinh hiển đời mình: Cõi đời ơi khi tôi đã chết rồi – Thì trong cõi vắng lặng của người – Chỉ một lời này còn lại – Tôi đã từng yêu. (Những con chim bay lạc, bài số 277 – Đào Xuân Qúy dịch)

Ôi đẹp làm sao, một cuộc Người trọn vẹn của sự tận hiến, cung hiến trái tim mình cho thơ, cho tình yêu phụng sự cõi đời trầm luân khổ ải.

Tình yêu – nguồn thi hứng vô tận của loài người. Tình yêu là phương tiện cho những ai muốn dấn thân trên hành trình vượt qua bao nhọc nhằn, truân chuyên đầy thử thách, cám dỗ, để tìm về hạnh ngộ cái tôi bản nguyên của mình. Victor Hugo đã từng trải nghiệm:“Với phân tích cuối cùng, tình yêu là cuộc sống. Tình yêu không bao giờ thất bại và cuộc sống không bao giờ thất bại chừng nào còn có tình yêu”. Và tình yêu mãi mãi nối kết linh thông từ muôn vạn kiếp, chưa hề cách biệt với đời. Chỉ có tình yêu là nguồn năng lượng thiêng liêng nuôi dưỡng cõi giới này; chỉ có tình yêu xoa dịu những nỗi đau nơi trần thế. Tình yêu là phép màu. Tình yêu hấp dẫn cả Thánh Thiên và Tục lụy. Tình yêu sẽ cứu khổ chúng ta khỏi đau thương, đớn hèn và tha hoá. Tình yêu đem lại hòa hợp với thế giới, với vũ trụ bao la. Tình yêu ban cho sự bất tử của con người. Tình yêu là con đường hướng về giải thóat. Làm sao có thể có đủ ngôn từ trên thế gian này để mà ngợi ca tất cả những vẻ đẹp và sự hy sinh cho tình yêu của đời đời kiếp kiếp những con người đã từng đến Địa cầu này dâng hiến nguồn năng lượng dào dạt yêu của mình cho nhân loại. Hãy ngẫm nghĩ mà soi: ai trong chúng ta chẳng có trữ lượng yêu chất chứa trong lòng! Nhà thơ tiên tri Kahlil Gibran -(Liban) tin rằng: Con người với Tình yêu, có khả năng thể hiện mọi phẩm hạnh của Thần linh (*). Thế gian được kiến tạo trong tình yêu sẽ đơm hoa kết trái, thăng hoa vô cùng tận của kiếp người. 

Thơ Tagor linh thiêng từng con chữ; những vần thơ trác tuyệt, thuần khiết, cao thượng như những lời kinh nguyện thiết tha yêu thương con người đến kiệt cùng. Nhà thơ kính tín, đĩnh đạc, hiên ngang xông pha trong trận địa chữ để réo gọi lương tri con người luôn tỉnh thức..., thể hiện quyền được sống trong hòa bình, hạnh phúc; quyền được bình đẳng, tự do trong muôn trùng những nỗi phiền muộn của sự khốn cùng. Thơ ông là hiện thể của ký ức yêu chưa bao giờ phai nhạt trong tâm thức con người; gây men xúc tác, dẫn truyền chất “Yêu nồng nàn” cho hậu duệ của tổ tiên nhân loại.

Tagor là chứng nhân cho MINH TRIẾT TÌNH YÊU, mang thiên chức NGHỆ SĨ THƠ / NGHỆ SĨ YÊU, hiến tặng sứ mệnh thi ca cho cuộc HÒA MẠNG TÌNH YÊU lớn lao.

Những lời nhắn gửi sau cùng tràn đầy luyến ái; tiên tri sự bất tử của tình yêu chất ngất, thấm đẫm… TAGORE:

Bạn đọc ơi, bạn là ai, mà sẽ đọc thơ tôi một trăm năm sau nữa? Tôi không sao có thể gửi đến bạn chỉ một đoá thôi trong vườn hoa phong phú của mùa xuân. Và chỉ một ánh thôi của đám mây vàng rực xa xôi.

(Người làm vườn, bài số 85 – Đào Xuân Quý dịch).

Rabindranath Tagor – Một hồn thơ mẫn tuệ – Thiên sứ tình yêu, được ân sủng của Thượng Đế.

Rabindranath Tagor khiến nhiều người trên thế giới ngưỡng vọng, kính yêu.

Thơ Tagore được dịch ra rất nhiều ngôn ngữ, lan tỏa vô cùng... Ông đã đi nhiều nơi trên thế giới, mặc định, phơi lộ TRÁI TIM CHÂN THÀNH, LỘNG LẪY, CHÍ THIỆN  – TRÁI TIM TÌNH YÊU RABINDRANATH TAGORE.

(*) Sách Vườn ngôn sứ & Thần linh trần thế - Nguyễn Ước dịch

(Viết tặng các bạn trẻ. Chúng ta vẫn còn có hy vọng nhận được giải thưởng Nobel văn học không nhỉ? Có đấy. Khi tình yêu trong ta đủ đầy như Ông. Rất hy vọng ở các bạn!)

Dang Ngoc Van


Thứ Năm, 16 tháng 6, 2016

ĐIỀU BÍ ẨN

Định mệnh thiên di
Chiếc lá
mang hình hài… trái tim
sinh thành từ hôm qua
nương nhờ gia phả
chắt chiu mầm xanh
bừng sống giữa đời

hiển lộ điều bí ẩn.

D N V

Thư Albert Einstein gửi con gái



Albert Eenstein và con gái

“Khi cha công bố thuyết tương đối, rất ít người có thể hiểu được. Giờ đây điều mà cha sắp tiết lộ với nhân loại rồi cũng sẽ vấp phải những hiểu lầm và thành kiến của cả thế giới.
Vì vậy, cha mong con giữ kín những bức thư này trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ cho tới khi xã hội đủ tiến bộ để có thể chấp nhận những điều mà cha sắp giải thích dưới đây.

Có một loại lực vô cùng mạnh mẽ, loại lực mà tới tận bây giờ khoa học cũng chưa thể tìm ra định nghĩa chính xác nào cho nó. Lực này bao gồm và chi phối mọi loại lực khác, thậm chí còn đứng sau vô vàn hiện tượng do vũ trụ vận hành mà chúng ta vẫn chưa thể lý giải. Đó chính là TÌNH YÊU.

 Khi các nhà khoa học tìm kiếm một học thuyết chung cho vũ trụ, họ đã bỏ qua lực vô hình nhưng mạnh mẽ nhất này. Tình yêu là ánh sáng soi chiếu tâm hồn những người biết trao và nhận nó. Tình yêu là lực hấp dẫn, bởi nó khiến người ta cuốn hút lẫn nhau.

Tình yêu là sức mạnh, bởi nó phát triển bản tính tốt đẹp nhất trong ta, giúp nhân loại không bị che mắt bởi sự ích kỷ mù quáng. Tình yêu hé lộ và gợi mở. Tình yêu có thể khiến chúng ta sống và chết. Tình yêu là Chúa và Chúa cũng chính là tình yêu.

Loại lực này giải thích mọi điều và thổi ý nghĩa vào cuộc sống. Tuy nhiên chúng ta đã bỏ qua nó quá lâu. Có lẽ là do chúng ta vẫn duy trì nỗi sợ trước một thứ con người không thể nào hiểu và kiểm soát được.

Để giúp khái niệm tình yêu trở nên dễ hình dung hơn, cha đã thực hiện một sự thay thế đơn giản trong phương trình nổi tiếng nhất của mình. Thay vì sử dụng công thức E = mc2, ta chấp nhận rằng, năng lượng hàn gắn thế giới có thể tạo ra từ tình yêu nhân với tốc độ ánh sáng bình phương. Chúng ta hoàn toàn có thể kết luận rằng: tình yêu chính là năng lượng bất khả chiến bại, bởi nó là vô hạn.

Sau những thất bại liên tiếp của nhân loại trong nỗ lực điều khiển các nguồn lực của vũ trụ, đã đến lúc chúng ta phải nuôi dưỡng mình bằng một loại năng lượng khác…

 Nếu loài người muốn tồn tại, nếu ta muốn tìm ý nghĩa của sự sống, nếu ta muốn bảo vệ thế giới và tất cả những giống loài khác, tình yêu chính là câu trả lời đầu tiên và duy nhất.

Có thể chúng ta chưa sẵn sàng để tạo ra một quả bom tình yêu, một thiết bị đủ mạnh để hoàn toàn phá huỷ sự ghét bỏ, ích kỷ và tham lam đang tàn phá hành tinh này. Dù vậy, mỗi con người vẫn luôn mang trong mình một chiếc máy phát tình yêu vô cùng mạnh mẽ và luôn sẵn sàng để được giải phóng.

Khi chúng ta học cách cho và nhận nguồn năng lượng vũ trụ này, Lieserl ạ, chúng ta phải thừa nhận rằng tình yêu có thể chinh phục tất cả, vượt qua bất kỳ chướng ngại nào, bởi tình yêu chính là nguyên tố quan trọng nhất của sự sống.

Cha vô cùng ân hận vì đã không thể nói lên những điều trong trái tim mình, nơi mà từng nhịp đập trong cả cuộc đời này đều dành cho con. Có lẽ đã quá muộn để nói lời xin lỗi, nhưng thời gian cũng chỉ là tương đối, cha vẫn cần phải nói với con rằng cha yêu con, và nhờ có con mà cha mới có thể đi đến câu trả lời cuối cùng!”

Cha của con,

Albert Einstein”.


daikynguyen.vn

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2016

KHI THƯỢNG ĐẾ ĐỐI THOẠI VỚI TỪNG THỜI ĐAỊ

Hồi mười bảy tuổi, Dostoievski đã viết về Balzac: “Những tính cách của ông ta là tác phẩm của một trí tuệ vũ trụ! Không phải hơi hướng của thời đại, mà cả hàng ngàn năm bằng sự vật lộn của chúng đã xếp đặt một kết cục như vậy trong tâm hồn con người”.Dostoievski nhận xét một thiên tài khác, như tiên đoán nhãn thức, bút pháp của chính mình.
Nhân vật của ông, một tâm hồn thanh niên trong sáng, hào hiệp, quả cảm, có trí thông minh kiệt xuất, mang nặng trong lòng mối ưu tư không chịu nổi về thế sự. Nó thấy rõ mồn một sự bất công xã hội, cảnh người nghèo hèn bị chà đạp, bị tước mọi quyền sống, còn kẻ giàu sang quyền quý thì lộng hành, sa đọa đến mất tính người. Nó căm ghét cái ác ngự trị trong xã hội, nó phẫn nộ nhận thấy mọi người xung quanh âm thầm chịu đựng ách thống trị ấy. Nó quyết tâm vùng dậy chống lại cả thế giới phi nghĩa vì công lí, nhưng hóa ra cái thế giới độc ác ngàn năm mà nó muốn đánh đổ ấy đã gieo vào trong nó từ bao giờ. Con người nổi dậy ấy, với tham vọng làm cứu tinh, làm ân nhân của loài người, trên thực tế chỉ có thể trở thành một đao phủ mới, và ngay từ đầu, nó đã sát hại những con người vô tội, gây bao khổ đau cho những người thân thuộc và hãm hại con người sâu kín và chân chính ở trong chính nó, với ý niệm đạo lí đã ăn sâu vào tiềm thức, với nhu cầu được sống trong tình yêu thương và cảm thông với đồng loại - chúng tôi nói về tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt (1865-1866) và nhân vật chính trong đó, Rodion Raskolnikov.
Trong Tội ác và trừng phạt, Dostoievski tập hợp và soi sáng bằng một ánh sáng mới một loạt đề tài ông đã từng đề cập. Trong sáng tác của Dostoievski chưa bao giờ vấn đề phân cực xã hội theo giàu - nghèo lại được đặt ra một cách gay gắt không nhượng bộ như ở đây. Lịch sử gia đình Marmeladov do chính nhân vật này kể cho Raskolnikov ở đầu truyện dưới ngòi bút Dostoievski trở thành một thảm kịch nhân loại điển hình cho thời đại chủ nghĩa tư bản man rợ. Thảm kịch ấy không có lối thoát, và cái kết thúc êm ả của nó trong tiểu thuyết mang tính ngẫu nhiên. Bi kịch ấy được thắt nút chung với bi kịch của gia đình Raskolnikov, chúng rất giống nhau. Cả hai gia đình đều ở trong cảnh cùng quẫn, trong cả hai gia đình người con gái đức hạnh phải hi sinh mình vì người thân.
Raskolnikov không chấp nhận sự hi sinh ấy và y sẽ hành động để chặt đứt cái “nút chết”. Nhà phê bình dân chủ cấp tiến Pisarev sẽ lấy hoàn cảnh bên ngoài để giải thích tội ác của Raskolnikov: đây là một con người bị cuộc sống đẩy đến bước đường cùng, ông viết. Nhưng ông không để ý là tác giả đã liệu tính trước lối giải thích này và đã đưa vào tiểu thuyết một phản biện sắc bén: Razumikhin. Người sinh viên này cũng nghèo khổ như Raskolnikov, nhưng có giết người cướp của đâu, anh ta cần cù nhẫn nại tìm kế sinh nhai, vừa nuôi mình vừa giúp gia đình. Tội ác của Raskolnikov có nguồn gốc tư tưởng. Raskolnikov có nhiều nét tương đồng với nhân vật Bút kí từ nhà hầm. Đây cũng là con người li khai với xã hội loài người để khẳng định độc lập tự do của mình, tự cởi trói mình khỏi những chuẩn mực đạo đức xã hội mà nó cho là sản phẩm của sự yếu đuối, ươn hèn của đại đa số loài người. Nhưng nếu con người “từ nhà hầm” không có lí tưởng và mục đích sống, nên chỉ quanh quẩn trong những phản ứng tiêu cực vụn vặt với cuộc đời, thì Raskolnikov - con người quá khổ điển hình của Dostoievski - từ ý thức về sứ mệnh “siêu nhân” của mình sẽ cho phép mình phạm những tội ác chống nhân loại.
Tội ác của Raskolnikov là tội ác do ý thức hệ, kiểu tội ác này nguy hiểm hơn rất nhiều cho sự sống của muôn người, cho nền văn minh con người so với những tội hình sự - Dostoievski cảnh báo rất rõ nhân loại từ những trang viết hiền minh của mình. Và quả thực, kiểu tội ác do ý thức hệ đã trở thành một hiện tượng khủng khiếp, có quy mô chưa từng thấy, trong lịch sử nhân loại thế kỉ XX.

Vòng nguyệt quế, nó cũng là vòng mận gai trên đầu nhà tiên tri Dostoievski trong con mắt của độc giả thế kỉ XX, là phần thưởng đích đáng cho một cây bút suốt đời bận tâm tha thiết với tương lai - tương lai của đất nước ông và của cả thế giới, tiền đồ của con người và xã hội loài người, quả là những điểm nóng thường trực trong thế giới tinh thần của Dostoievski. Từ mối bận tâm ấy nảy sinh sự nhạy cảm đặc biệt, thể hiện rất rõ trong Tội ác và trừng phạt và tất cả các sáng tác sau này của Dostoievski, đối với những xu hướng tinh thần, những trào lưu tư tưởng hôm nay còn trứng nước, nhưng ngày mai có thể trở thành sức mạnh hiện thực. Bakhtin nói rất đúng trong công trình kinh điển của ông về Dostoievski: “Dostoievski có năng khiếu thần tình nghe thấy cuộc đối thoại của thời đại mình, hoặc đúng hơn, nghe thấy thời đại mình như một cuộc đối thoại vĩ đại. Ông nghe thấy cả những tiếng nói ngự trị trong thời đại, sang sảng và được mọi người thừa nhận, cả những tiếng nói còn non nớt, những ý tưởng chưa phát lộ hết, cả những tư tưởng ngầm, trừ ông ra không ai nghe thấy, cả những tư tưởng chỉ mới chớm nở, những bào thai của những thế giới quan tương lai”.
Nhiều luồng tư tưởng phản nhân đạo mới chỉ phảng phất trong không khí thời đại, mà Dostoievski đã báo trước về những hậu họa khôn lường của chúng. Khi Dostoievski viết Tội ác và trừng phạt, Nietzsche còn ngồi trên ghế sinh viên đại học và chưa hề nghĩ tới cái học thuyết về “siêu nhân” của mình. Sau này, đọc thiên truyện về Raskolnikov, Nietzsche tưởng đã tìm ra bậc tiền bối tinh thần và vội tôn Dostoievski làm thầy, nhưng rồi ông sẽ thấy mình đã ngộ nhận. Trong một bức thư, ông bực tức viết về cái “luân lí của bọn nô lệ” ở Dostoievski, nhưng luân lí ấy mới là luân lí chân chính của loài người, mà Nietzsche, hướng tới một “siêu nhân” có nhiều nét chung với “con dã thú tóc vàng”, không thể hiểu.
Cái luân lí chân chính ấy của loài người, đối thoại và đối âm với luân lí “siêu nhân” của Raskolnikov, có nhiều hiện thân trong thiên tiểu thuyết phức điệu của Dostoievski, song hiện thân sáng ngời nhất, bất tử nhất vẫn là Sonia Marmeladova. Chỉ có một Sonia thánh hạnh với đức khiêm nhường cứng cỏi, với những xác tín ăn vào máu thịt, với trí anh minh của trái tim, với tình yêu hiến dâng không đòi đền đáp mới có thể cải tử hoàn sinh cho tâm hồn Raskolnikov. Sonia là con chiên nhiệt thành của Chúa Kitô, đạo đức và đạo lí của Sonia không phải là của con người tự nhiên, mà do Kitô di huấn - Dostoievski đinh ninh như thế. Chối bỏ và phản lại Kitô, như Raskolnikov làm, là đẩy mình và nhân quần đến sự bại vong và diệt vong. Dostoievski trong Tội ác và trừng phạt và các tác phẩm sau này sẽ kiên trì tìm giải pháp cho mọi vấn đề xã hội và con người, xuất phát từ lí tưởng và học thuyết của Kitô, như là ông hiểu nó. Ta không vội phán xử ông, mà sẽ cố theo dõi sự vận động của tư duy ông.
Một niềm tin sâu kín và thường trực của Dostoievski: “Cái Đẹp sẽ cứu chuộc thế giới!” Cái Đẹp ở đây tất nhiên là cái đẹp của bản thể, hòa hợp và không tách rời cái Chân, cái Thiện, Tình Yêu, Tự Do, Sáng Tạo, Bất Tử - tất cả các giá trị tuyệt đối của sự sống. Dostoievski suốt đời suy nghĩ về bản chất bí ẩn của cái đẹp, vì sao con người cần đến nó. Ông viết trong Nhật kí nhà văn (1873): “Cái đẹp... thể hiện cho con người và loài người những lí tưởng của họ”. Con người và loài người không thể sống không có lí tưởng và khao khát được thấy lí tưởng ấy hiện hình trong cái đẹp.
Trong Lũ người quỷ ám - tác phẩm tối tăm ảm đạm nhất của ông - Dostoievski nói mượn lời một trong những nhân vật chính, nhân vật này đương diễn thuyết, biện luận hăng say trước một cử tọa hết sức thờ ơ với những tư tưởng tâm đắc của y: “Không có người Anh nhân loại sống được, không có nước Đức cũng thế, không có người Nga sống được quá chứ, không có khoa học cũng được, không có bánh mỳ cũng được, chỉ không có cái đẹp là không thể sống được, bởi vì sẽ không còn gì để làm trên đời này nữa. Toàn bộ bí mật là ở đây, toàn bộ lịch sử ở đây”. Cũng nhân vật ấy sẽ nói trước khi chết, giải thích vai trò của cái đẹp - ở đây đồng nhất với cái cao cả - trong lịch sử loài người: “Toàn bộ quy luật của sự tồn tại nhân loại chỉ là để sao cho con người luôn luôn có một cái gì lớn lao vô hạn để tôn thờ. Nếu bị tước đoạt cái lớn lao vô hạn này, con người sẽ không còn muốn sống và sẽ chết trong tuyệt vọng. Cái Vô Hạn và Vô Cùng cũng cần cho con người như cái hành tinh bé nhỏ, nơi nó sống”. Do vị trí thiết yếu vô song ấy trong đời sống con người, cái đẹp, khi nó hiển lộ đầy đủ như là hiện thân của lí tưởng, sẽ phát huy tác dụng cải tử hoàn sinh cho loài người sa đọa lầm lạc, làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của thế giới đương đắm chìm trong tội lỗi và khổ đau. Cái đẹp sẽ là sức mạnh cứu thế.
Đó là xác tín của Dostoievski. Cùng với những xác tín khác, nó tạo nên một cực rất mạnh và thường trực trong thế giới tinh thần của ông. Cực khác là thực tại, mà trong đó nhà văn đương sống, đương nhận thức nó và khao khát nó đáp ứng những mong đợi của mình. ý đồ của tiểu thuyết Chàng Ngốc hình thành trong thế đối lập hết sức căng thẳng của hai cực ấy.

Công tước Mưskin, hiện thân của cái đẹp tinh thần: một tâm hồn thánh thiện không vẩn đục bụi trần, thương yêu vô điều kiện đồng loại, xả thân vì họ, sẵn sàng làm anh em, làm trợ thủ, làm bạn tâm tình của tất cả mọi người. Nastasia Philippovna, hiện thân của cái đẹp thân thể - tâm hồn: một nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành, một cuộc đời khổ đau, một nhân phẩm bị chà đạp nhưng luôn luôn ngưỡng mộ hướng về cái thiện và công lí. Hai hiện thân của cái đẹp ấy sẽ tác động thế nào đến cuộc đời và cuộc đời sẽ tác động thế nào đến họ? Tiểu thuyết Chàng Ngốc mô tả số phận của cái đẹp, cái tuyệt hảo trong thế giới đọa lạc, bất hảo.
Những tác động đầu tiên đến nhân quần của công tước Mưskin - trong hình tượng nhân vật này phảng phất bóng dáng của một số nhân vật nổi tiếng của văn học thế giới: Don Quichotte, Picquick... và của chính Kitô, “gương mặt đẹp chính diện vô tiền khoáng hậu” - giống như tác động của ánh sáng tới những sinh vật sống trong bóng tối. Những con người xung quanh Mưskin, dù họ có là ai trong xã hội Nga bấy giờ, tất cả đều bất hạnh - bất hạnh vì sự độc ác, ích kỉ, tham lam mù quáng của kẻ khác và vì sự quá ư không hoàn hảo của chính mình. Trong thâm tâm, họ khát khao một cuộc sống khác, và ban đầu Mưskin quả làm thức dậy được cái phần tốt đẹp ở trong họ, tập hợp họ xung quanh mình. Nhưng những phản ứng ngược lại cũng bộc lộ rất nhanh và mỗi lúc một gia tăng dữ dội. Luật của thế giới đen tối và giả dối không dung nạp luật của con người trong sáng và chân thật. Cuộc đụng độ là không thể tránh khỏi và kết cục của nó được định trước : công tước Mưskin sẽ bại vong, kéo theo mình một linh hồn thân thương mà chàng muốn cứu giải trước tiên, một sắc đẹp tuyệt thế mà chàng ngưỡng mộ - Nastasia Philippovna. Sự bại vong của cái đẹp là cốt lõi của bi kịch, và Dostoievski quả đã viết nên một bi kịch nhân loại không có biên giới, không gian thời gian. Bộ phim xuất sắc của Kurosawa Chàng Ngốc mà trong đó các nhân vật của Dostoievski trở thành người Nhật, sự việc diễn ra ở nước Nhật thế kỉ XX cho thấy rất rõ điều đó.
Có thể rút ra những kết luận khác nhau từ thất bại của Mưskin. Tác giả không tiếc chi tiết để làm nổi rõ sự yếu đuối bất lực, sự ngây thơ khờ dại của nhân vật của ông. Với những ảo tưởng và ngộ nhận không thể sửa chữa về người đời, với chí hướng khoan dung tha thứ tất cả, Mưskin không thể tìm cho mình chỗ đứng trong cuộc đời (lịch sử quan hệ của nhân vật này với Aglaia và với Rogogin không để lại nghi ngờ gì về mặt này). Mưskin lại càng không thể thành đạt trong những nỗ lực can thiệp vào sự đời, cải hóa nhân quần. Để cải tạo xã hội, để chiến thắng cái ác, con người cần có nhiều phẩm chất khác và cương lĩnh hành động khác. Thế nhưng dưới ngòi bút của Dostoievski, cái xã hội mà trong đó không có chỗ cho Mưskin và Nastasia Philippovna, không gì thay đổi sau khi hai hiện thân của cái đẹp ấy ra đi - xã hội ấy lộ hết tính phi nhân đến trái tự nhiên và vì thế mà hư ảo của mình, còn chân lí của kẻ chiến bại Mưskin thì lại tỏa sáng mãi mãi, hứa hẹn thành công trong những cục diện nhân thế khác. Cũng như mọi tác phẩm bi kịch thực thụ, Chàng Ngốc tiềm ẩn ánh sáng của hi vọng phục sinh.

(Còn nữa)

Theo : Giáo sư Phạm Vĩnh Cư

Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2016

Văn hóa và văn hóa chính trị


 Bùi Văn Nam Sơn
                                   
Một là vua sự dân chẳng biết
Hai là quan chẳng thiết gì dân
Ba là dân chỉ biết dân
Mặc quân với quốc, mặc thần với ai…

Thật không vui khi vào dịp đầu xuân lại nhớ đến ba điều “tệ nhân” (nguyên nhân của sự tồi tệ) được cụ Phan Bội Châu kể ra một cách thống thiết trongHải ngoại huyết thư (1906) về tình trạng tha hóa và “vô cảm” của quyền lực ở nước ta vào đầu thế kỷ XX. Nhưng, thiết tưởng cần nhớ đến để tiếp tục tìm hiểu và suy nghĩ, vì mãi đến hơn nửa thế kỷ sau, mối quan hệ giữa hệ thống chính trị và người công dân mới thực sự được đi sâu nghiên cứu như một vấn đề hệ trọng của chính trị học, xã hội học, văn hóa học… với sự ra đời của một khái niệm mới mẻ: văn hóa chính trị. Đó là vào năm 1963 khi hai tác giả Gabriel Almond và Sidney Verba xuất bản công trình khảo sát mang tên “Văn hóa chính trị” (“The Civic culture(*)), và được bổ sung, mở rộng vào năm 1980.

“VĂN HÓA” ĐI VÀO ĐỜI THƯỜNG

Từ một khái niệm trừu tượng rất khó nhất trí về định nghĩa và thường được hiểu mơ hồ như cái gì “cao cấp”, văn hóa vẫn chứng tỏ được tính hấp dẫn và quan trọng của nó khi đi vào đời thường. Trong vòng vài mươi năm, ta thấy sự bùng nổ của khái niệm văn hóa hầu như trong mọi lĩnh vực: văn hóa ứng xử, văn hóa ẩm thực, văn hóa kinh doanh… và rồi cả văn hóa chính trị, một sự “ghép đôi” thoạt nhìn khá nghịch lý, khi “chính trị” thường chỉ được đánh đồng với quyền lực và vũ lực! Việc “văn hóa” trở thành “số nhiều” (nhiều nền văn hóa, nhiều loại hình văn hóa) và gắn bó với cả những lĩnh vực vốn dị loại với nó không khỏi dẫn tới cảm tưởng về một sự “xuống cấp”. Nhìn lạc quan hơn, người ta nhận ra rằng thế giới đã thay đổi, những “hình thức cuộc sống” trở nên phong phú, đa dạng hơn, nhu cầu chia sẻ những khát vọng, những giá trị chung (nhân tố quan trọng cấu thành văn hóa) ngày càng gia tăng trong một xã hội đa nguyên. Hơn thế, G. Almond và S. Verba còn nhận ra rằng yếu tố văn hóa đang và sẽ giữ vai trò quyết định vận mệnh của các nền chính trị. Công cuộc nghiên cứu về “văn hóa chính trị” bắt đầu từ nhận thức mới mẻ ấy.

ĐI TÌM MỘT ĐỊNH NGHĨA CHO “VĂN HÓA CHÍNH TRỊ”

Sau thế chiến II, hai tác giả đứng trước câu hỏi nhức nhối: tại sao nước có “văn hóa cao” như nước Đức lại phạm tội ác khủng khiếp và sụp đổ? Để trả lời, hai ông thử tiến hành khảo sát năm nước (Đức, Ý, Mỹ, Anh, Mêhicô, và về sau, cả Liên Xô cũ) để tìm xem lý do cho sự ổn định hoặc suy tàn của các chế độ chính trị và các nền dân chủ. Khác với các cách khảo sát đơn tuyến quen thuộc, hai tác giả tập trung tìm hiểu giao điểm giữa  hệ thống chính trị (các định chế) và hành động của công dân. Nói cách khác, cần đi tìm kích thước chủ quan trong cơ sở xã hội của hệ thống chính trị, và nhận ra rằng văn hóa chính trị khác với văn hóa nói chung lẫn với hệ thống chính trị. Văn hóa chính trị là phương diện chủ quan của hệ thống chính trị và lấp khoảng trống giữa cá nhân và hệ thống. Hai ông đi tới định nghĩa: “Mọi hệ thống chính trị đều gắn liền với một phương thức định hướng đặc thù đối với hành động chính trị. Tôi gọi định hướng ấy là văn hóa chính trị”.

Để biết định hướng ấy thể hiện ra như thế nào, trước hết cần khảo sát và phân loại các loại hình văn hóa chính trị trong lịch sử cũng như trong mỗi nước, thậm chí, trong mỗi con người. Có ba loại hình chủ yếu:

1. Văn hóa chính trị tiền-hiện đại: mang tính chất cục bộ, thiển cận, “đèn nhà ai nấy sáng” (parochial). Ở đây, người dân chỉ quan tâm đến môi trường gần gũi chung quanh mình và có hiểu biết ít ỏi, và vì thế, khó có cơ hội tỏ thái độ đối với toàn bộ hệ thống (vd: trước đây, ở nước ta là làng xã, ở phương Tây là giáo xứ).

2. Văn hóa chính trị thần dân: người dân có quan hệ với hệ thống chính trị, nhưng chủ yếu chỉ quan tâm đến “đầu ra” (output) của hệ thống: “ơn vua lộc nước”.

3. Văn hóa chính trị tham dự: thái độ của người dân hướng đến cả cấu trúc “đầu vào” (input), bao gồm việc tham gia và có tiếng nói tích cực về chính trị.

Cả ba loại hình này không tách bạch và nhường chỗ cho nhau trong lịch sử, trái lại, thường tồn tại hỗn hợp (thậm chí ngay trong một cá nhân như đã nói), và đó cũng là một trong những yếu tố quan trọng cho sự ổn định của hệ thống chính trị. Thế nhưng, trong xã hội hiện đại, khi loại hình văn hóa chính trị tham dự ngày càng giữ vai trò chủ đạo, thì bên cạnh nghĩa hẹp của văn hóa chính trị như là chất lượng tranh luận và phong cách ngôn ngữ và hành động của nhà chính trị, chính nghĩa rộng của nó là các định hướng sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong của một nền chính trị. Sự định hướng thể hiện ở ba mặt: nhận thức, tình cảm và đánh giá.

-    Với định hướng nhận thức, ta có văn hóa hệ thống, đó là kiến thức của người dân về hệ thống chính trị. Một nền dân chủ chính đáng, không có tính ức chế phải làm cho mọi người dân biết rõ về bộ máy quyền lực.Biết rõ về bộ máy quyền lực để không mơ hồ về quyền lực, không đề cao và thần thánh hóa quyền lực, không biến quyền lực thành mục đích tự thân, bởi không phải mọi người đều ham muốn cầm quyền hay dễ dàng sa đọa vì quyền lực như lối nói trắng trợn khét tiếng của Đặng Oản: “chửi bới kệ thây chúng nó; Quan to ta cứ làm chơi!” (Tiếu mạ tùy tha tiếu mạ, hảo quan hoàn ngã vi chi!).

-    Với định hướng tình cảm, ta có văn hóa quy trình, đó là sự cảm nhận về tính minh bạch và tính kiểm soát được của tiến trình lấy quyết định chính trị, từ đó, cảm nhận về tính hiệu quả hoặc bất lực của hệ thống chính trị.

-    Với định hướng đánh giá, ta có văn hóa chính sách, để từ đó nhận ra sự đáng tin cậy hoặc không đáng tin cậy của hệ thống chính trị.

CÁC CHỈ SỐ CỦA VĂN HÓA CHÍNH TRỊ

Thật khó xác định các chỉ số của văn hóa chính trị, vì chúng luôn biến động và không phải không có những ẩn số. Tuy thế, với các phương pháp khảo sát và điều tra ngày càng tinh vi của các ngành khoa học xã hội, ta vẫn có thể nắm bắt khá chính xác những thông tin, ít ra về mặt định lượng (ở nhiều nước phương Tây, các dự đoán về kết quả bầu cử thường rất gần với sự thật). Ở đây, vai trò của công luận xã hội và nghiên cứu công luận xã hội là yếu tố quan trọng nhất. Từ các hình thái khác nhau của công luận gồm công luận chủ động (tác động trực tiếp đến quy trình lấy quyết định chính trị, trong đó bỏ phiếu trắng hay không bỏ phiếu cũng là… chủ động!), công luận thụ động (chưa bày tỏ ý kiến) và công luận tiềm tàng (còn mang màu sắc cảm tính, vd: chuyển kênh truyền hình, mua tờ báo khác…), người ta có thể nhận ra các chỉ số. Chúng thể hiện ra ở nhiều cấp độ: từ ý kiến của nhân dân (thường mang tính tự phát, dễ thay đổi) đến thái độ hay lập trường (nói lên mức độ chấp nhận hay hài lòng, tin cậy với định chế) và sau cùng là những giá trị tuy trừu tượng nhưng rất bền vững (chẳng hạn, trong xã hội Tây phương, giá trị cơ bản của nền dân chủ hiện đại là tính độc lập chính trị của ngành tư pháp, của lực lượng vũ trang và định chế khoa học…). Chất lượng của nền chính trị không phụ thuộc trực tiếp vào tỉ lệ giữa ba loại công luận nói trên, mà vào khả năng thay đổi và chuyển hóa của chúng. Chất lượng ấy sẽ bị tổn hại, nếu dòng truyền thông hỗ tương giữa công luận chủ động và công luận thụ động bị cắt đứt, chẳng hạn bằng sự vắng mặt hay hạn chế sự phản biện xã hội với các định chế tự trị của nó (các trường đại học, các viện nghiên cứu, các think-tank, các hiệp hội nghề nghiệp v.v…).

Vậy, đâu là các dấu hiệu tích cực của một nền văn hóa chính trị lành mạnh?Almond và Verba, qua công trình khảo sát của mình, nêu ra các dấu hiệu sau đây:

-   tự hào về nhiều phương diện của quốc gia mình
-   yên tâm chờ đợi sự xử lý sòng phẳng và công minh từ các cơ quan công quyền
-   tự do ăn nói về chính trị
-   hưởng ứng tích cực các cuộc bầu cử
-   khoan dung với ý kiến khác và chủ động xây dựng cơ chế “đối lập trung thành”
-   tự tin vào năng lực bản thân khi tham gia đời sống chính trị, xã hội
-   hợp tác và tin cậy trong xã hội dân sự, tham gia tích cực vào các đoàn thể và các tổ chức thiện nguyện.

LÒNG TIN: YẾU TỐ THEN CHỐT TRONG VĂN HÓA CHÍNH TRỊ

Lòng tin trong văn hóa chính trị chỉ có thực chất khi dựa trên sự thỏa mãn ngày càng nhiều các giá trị vật chất và hậu-vật chất. Các giá trị vật chất là sự an toàn kinh tế và an toàn thân thể, vì thế sự nghèo đói, tỉ suất cao về tội phạm và nguy cơ chiến tranh (gây mất an toàn kinh tế và thân thể) sẽ làm suy giảm văn hóa chính trị. Các giá trị hậu-vật chất thể hiện ở sự bình đẳng xã hội, việc bảo vệ môi sinh, sự đa nguyên văn hóa, sự tự do thể hiện của bản thân. Đó cũng chính là bà đỡ cho sự ra đời và lớn mạnh của những phong trào xã hội hiện đại, nhựa sống của văn hóa chính trị: phong trào sinh thái, phong trào phụ nữ, phong trào đòi bình quyền về chính trị, tín ngưỡng, sắc tộc v.v…

Ta thử nhìn vào vài thống kê tiêu biểu sau đây:

• Châu Âu:   

lòng tin vào các ngành nghề trong xã hội:

- lính cứu hỏa: 97%
- phi công: 97%
- dược sĩ (tiệm thuốc): 96%
- y tá: 94%
- bác sĩ: 91%
- nông dân: 83%
- quan tòa: 81%
- cảnh sát: 74%
- thầy giáo: 72%
- luật sư: 64%
- tu sĩ: 60%
- tài xế taxi: 52%
- tổ chức du lịch: 42%
- cố vấn tài chính: 42%
- nhà báo: 24%
- lãnh đạo công đoàn: 16%
- bán xe ô tô: 16%
- cầu thủ: 13%
- chính trị gia: 8%

(Nguồn: Europabarometer / EU, 2008)



lòng tin vào các lĩnh vực trong hệ thống chính trị:

- Tư pháp:
46%
(Áo: 73%)
- Cảnh sát:
63%
(Áo: 69%)
- Quân đội:
70%
(Áo: 65%)
- Quốc hội:
34%
(Áo: 46%)
- Chính quyền (nội các):
32%
(Áo: 42%)
- EU:
50%
(Áo: 38%)
- Các chính đảng:
18%
(Áo: 30%)

(Nguồn: như trên)

 Thế giới:    
lòng tin vào các định chế:


Mỹ
Châu Âu
Châu Á
(Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc)
Canada
Brazil
Doanh nghiệp
49
42
56
57
62
Chính quyền
38
33
54
36
21
Truyền thông
30
30
56
46
53
Các tổ chức dân sự (NGO)
54
57
48
61
60

(Nguồn: Edelman 2006, Annual Trust Barometer)

Vài nhận xét:

-    Ở Châu Âu (bảng 1 và 2), lòng tin cao nhất được dành cho những ngành nghề và định chế liên quan trực tiếp đến sự an toàn của người dân và đã được chuyên nghiệp hóa cao độ; vai trò của chính quyền và các chính đảng ngày càng ít quan trọng.

-    Ở Châu Á (bảng 3, Trung Quốc chiếm tỷ lệ tuyệt đối về số lượng trong thống kê), ta thấy xã hội dân sự còn chậm phát triển.


XÂY DỰNG VĂN HÓA CHÍNH TRỊ

Các thành tựu của văn hóa chính trị - mà mục đích cuối cùng là cuộc sống yên bình và đầy đủ chủ quyền của người dân - rõ ràng không phải từ trời rơi xuống hay một quà tặng của lòng hảo tâm:

-    Châu Âu đã phải trải qua ba cuộc cách mạng dân chủ: lần thứ nhất là Đại Cách mạng Pháp (1789); lần thứ hai là sự sụp đổ của các chế độ quân chủ chuyên chế (1918) và lần thứ ba vào thập niên 1970 và 1980 ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp và các nước Đông Âu.

-    Đã tiến hành nhiều cuộc đại cải cách về giáo dục, khoa học và hành chính, mà tiêu biểu nhất là cuộc cách mạng giáo dục vào đầu thế kỷ XIX của Wilhelm von Humboldt ở nước Đức mà năm nay cả thế giới kỷ niệm 200 năm mô hình đại học mang tên ông.

-    Ở Bắc Mỹ, tuy có nhiều thuận lợi của vùng đất mới, nhưng cũng phải rất dày công để hun đúc và “nhập tâm” nếp sống dân chủ mà Alexis de Tocqueville gọi là “những tập quán của con tim” (“the habits of the heart”) (Xem: Nền Dân Trị Mỹ, NXB Tri thức).

Thử thách lớn nhất cho việc xây dựng văn hóa chính trị là khi hệ thống chính trị rơi vào hai thái cực: độc tài chuyên chế hoặc khủng hoảng quyền uy. Nhưng, “biện chứng mỉa mai” của lịch sử lại là: cái sau sớm muộn sẽ là hậu quả của cái trước. Nguy cơ tan rã nội lực của xã hội thường đánh thức cơ chế tự vệ tự nhiên của những người công dân, nếu họ không muốn cả cộng đồng lâm vào cảnh tuyệt vọng. Cơ may sẽ đến một khi những “cứ điểm” then chốt có ảnh hưởng trực tiếp nhất đến sự an toàn của cuộc sống người dân (gia đình, nhà trường, bệnh viện, tòa án, cảnh sát…) được lành mạnh hóa trước hết, làm chỗ dựa cho cải cách thể chế “từ dưới lên”. Đó cũng là kinh nghiệm của nhiều nước Âu Châu trong các thời kỳ đen tối nhất của họ.

Các sách lịch sử thường chỉ cho ta biết những sự kiện lịch sử “hoành tráng” mà ít khi giúp ta nhớ đến vai trò tiên phong âm thầm của những người công dân biết đứng thẳng lưng khi cần thiết. Chỉ sáu người phụ nữ chiếm giữ một nông trại ở ngoại ô New York vào năm 1840 đã giúp mang lại quyền bầu cử cho phụ nữ. Chỉ một phụ nữ duy nhất là Rosa Parks đã không chịu ngồi phía sau xe bus dành riêng cho người da đen ở Montgomery, bang Alabamađã khởi động phong trào dân quyền. Một nhóm nhỏ công nhân phản kháng trong nhà máy sản xuất xe hơi ở Michigan cuối thập niên 1930 đã dẫn tới việc thành lập “Liên hiệp công đoàn lao động”… Để đến ngày hôm nay, một công dân bình thường ở Canada viết thế này: “Ngày nay, thời gian làm việc ít hơn, thế mà người ta vẫn than không đủ thì giờ để làm công dân. Một lý do, là người ta mất quá nhiều thì giờ hàng tuần để xem tivi. Lý do khác là quá bận bịu với việc bảo trì, sửa chữa đủ thứ máy móc: bếp điện, xehơi, máy cắt cỏ, máy tính. Vì thế, tôi không sắm xe hơi và có rất ít thiết bị điện, bởi chúng cướp hết thì giờ làm công dân của tôi. Tôi cần dành 10% thời gian cho hoạt động công dân, dù là cấp địa phương, quốc gia hay quốc tế” (Ralph Nader, Developing a Civic Culture; CAAE 1988). “Bí quyết” của văn hóa chính trị phải chăng chính là từ những quyết định “nhỏ nhặt” để “làm công dân” như thế?

Nói rút lại, văn hóa chính trị không gì khác hơn là việc nâng nền dân chủ lên cấp độ văn hóa.

(bài gửi đăng Báo Xuân Tân Mão, 2011,
   của Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn)



BVNS
Xuân Tân Mão


(*) Xem:
Gabriel Almond / Sidney Verba:
The Civic Culture (1963) và
The Civic Culture Revisited (1980)


“Không thể gọi là hạnh phúc, mà không tham gia vào công việc công cộng. Không thể gọi là tự do nếu không thể nghiệm thế nào là tự do công cộng. Không thể là tự do hay hạnh phúc mà không có chút quyền hành nào trong quyền lực công cộng
Hannah Arendt
(1906-1975)