Hồi mười bảy tuổi, Dostoievski đã viết về Balzac: “Những
tính cách của ông ta là tác phẩm của một trí tuệ vũ trụ! Không phải hơi hướng của
thời đại, mà cả hàng ngàn năm bằng sự vật lộn của chúng đã xếp đặt một kết cục
như vậy trong tâm hồn con người”.Dostoievski nhận xét một thiên tài khác, như
tiên đoán nhãn thức, bút pháp của chính mình.
Nhân vật của ông, một tâm hồn thanh niên trong sáng, hào hiệp,
quả cảm, có trí thông minh kiệt xuất, mang nặng trong lòng mối ưu tư không chịu
nổi về thế sự. Nó thấy rõ mồn một sự bất công xã hội, cảnh người nghèo hèn bị
chà đạp, bị tước mọi quyền sống, còn kẻ giàu sang quyền quý thì lộng hành, sa đọa
đến mất tính người. Nó căm ghét cái ác ngự trị trong xã hội, nó phẫn nộ nhận thấy
mọi người xung quanh âm thầm chịu đựng ách thống trị ấy. Nó quyết tâm vùng dậy
chống lại cả thế giới phi nghĩa vì công lí, nhưng hóa ra cái thế giới độc ác
ngàn năm mà nó muốn đánh đổ ấy đã gieo vào trong nó từ bao giờ. Con người nổi dậy
ấy, với tham vọng làm cứu tinh, làm ân nhân của loài người, trên thực tế chỉ có
thể trở thành một đao phủ mới, và ngay từ đầu, nó đã sát hại những con người vô
tội, gây bao khổ đau cho những người thân thuộc và hãm hại con người sâu kín và
chân chính ở trong chính nó, với ý niệm đạo lí đã ăn sâu vào tiềm thức, với nhu
cầu được sống trong tình yêu thương và cảm thông với đồng loại - chúng tôi nói
về tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt (1865-1866) và nhân vật chính trong đó,
Rodion Raskolnikov.
Trong Tội ác và trừng phạt, Dostoievski tập hợp và soi sáng
bằng một ánh sáng mới một loạt đề tài ông đã từng đề cập. Trong sáng tác của
Dostoievski chưa bao giờ vấn đề phân cực xã hội theo giàu - nghèo lại được đặt
ra một cách gay gắt không nhượng bộ như ở đây. Lịch sử gia đình Marmeladov do
chính nhân vật này kể cho Raskolnikov ở đầu truyện dưới ngòi bút Dostoievski trở
thành một thảm kịch nhân loại điển hình cho thời đại chủ nghĩa tư bản man rợ.
Thảm kịch ấy không có lối thoát, và cái kết thúc êm ả của nó trong tiểu thuyết
mang tính ngẫu nhiên. Bi kịch ấy được thắt nút chung với bi kịch của gia đình
Raskolnikov, chúng rất giống nhau. Cả hai gia đình đều ở trong cảnh cùng quẫn,
trong cả hai gia đình người con gái đức hạnh phải hi sinh mình vì người thân.
Raskolnikov không chấp nhận sự hi sinh ấy và y sẽ hành động
để chặt đứt cái “nút chết”. Nhà phê bình dân chủ cấp tiến Pisarev sẽ lấy hoàn cảnh
bên ngoài để giải thích tội ác của Raskolnikov: đây là một con người bị cuộc sống
đẩy đến bước đường cùng, ông viết. Nhưng ông không để ý là tác giả đã liệu tính
trước lối giải thích này và đã đưa vào tiểu thuyết một phản biện sắc bén:
Razumikhin. Người sinh viên này cũng nghèo khổ như Raskolnikov, nhưng có giết
người cướp của đâu, anh ta cần cù nhẫn nại tìm kế sinh nhai, vừa nuôi mình vừa
giúp gia đình. Tội ác của Raskolnikov có nguồn gốc tư tưởng. Raskolnikov có nhiều
nét tương đồng với nhân vật Bút kí từ nhà hầm. Đây cũng là con người li khai với
xã hội loài người để khẳng định độc lập tự do của mình, tự cởi trói mình khỏi
những chuẩn mực đạo đức xã hội mà nó cho là sản phẩm của sự yếu đuối, ươn hèn của
đại đa số loài người. Nhưng nếu con người “từ nhà hầm” không có lí tưởng và mục
đích sống, nên chỉ quanh quẩn trong những phản ứng tiêu cực vụn vặt với cuộc đời,
thì Raskolnikov - con người quá khổ điển hình của Dostoievski - từ ý thức về sứ
mệnh “siêu nhân” của mình sẽ cho phép mình phạm những tội ác chống nhân loại.
Tội ác của Raskolnikov là tội ác do ý thức hệ, kiểu tội ác
này nguy hiểm hơn rất nhiều cho sự sống của muôn người, cho nền văn minh con
người so với những tội hình sự - Dostoievski cảnh báo rất rõ nhân loại từ những
trang viết hiền minh của mình. Và quả thực, kiểu tội ác do ý thức hệ đã trở
thành một hiện tượng khủng khiếp, có quy mô chưa từng thấy, trong lịch sử nhân
loại thế kỉ XX.
Vòng nguyệt quế, nó cũng là vòng mận gai trên đầu nhà tiên
tri Dostoievski trong con mắt của độc giả thế kỉ XX, là phần thưởng đích đáng
cho một cây bút suốt đời bận tâm tha thiết với tương lai - tương lai của đất nước
ông và của cả thế giới, tiền đồ của con người và xã hội loài người, quả là những
điểm nóng thường trực trong thế giới tinh thần của Dostoievski. Từ mối bận tâm ấy
nảy sinh sự nhạy cảm đặc biệt, thể hiện rất rõ trong Tội ác và trừng phạt và tất
cả các sáng tác sau này của Dostoievski, đối với những xu hướng tinh thần, những
trào lưu tư tưởng hôm nay còn trứng nước, nhưng ngày mai có thể trở thành sức mạnh
hiện thực. Bakhtin nói rất đúng trong công trình kinh điển của ông về
Dostoievski: “Dostoievski có năng khiếu thần tình nghe thấy cuộc đối thoại của
thời đại mình, hoặc đúng hơn, nghe thấy thời đại mình như một cuộc đối thoại vĩ
đại. Ông nghe thấy cả những tiếng nói ngự trị trong thời đại, sang sảng và được
mọi người thừa nhận, cả những tiếng nói còn non nớt, những ý tưởng chưa phát lộ
hết, cả những tư tưởng ngầm, trừ ông ra không ai nghe thấy, cả những tư tưởng
chỉ mới chớm nở, những bào thai của những thế giới quan tương lai”.
Nhiều luồng tư tưởng phản nhân đạo mới chỉ phảng phất trong
không khí thời đại, mà Dostoievski đã báo trước về những hậu họa khôn lường của
chúng. Khi Dostoievski viết Tội ác và trừng phạt, Nietzsche còn ngồi trên ghế
sinh viên đại học và chưa hề nghĩ tới cái học thuyết về “siêu nhân” của mình.
Sau này, đọc thiên truyện về Raskolnikov, Nietzsche tưởng đã tìm ra bậc tiền bối
tinh thần và vội tôn Dostoievski làm thầy, nhưng rồi ông sẽ thấy mình đã ngộ nhận.
Trong một bức thư, ông bực tức viết về cái “luân lí của bọn nô lệ” ở
Dostoievski, nhưng luân lí ấy mới là luân lí chân chính của loài người, mà
Nietzsche, hướng tới một “siêu nhân” có nhiều nét chung với “con dã thú tóc
vàng”, không thể hiểu.
Cái luân lí chân chính ấy của loài người, đối thoại và đối
âm với luân lí “siêu nhân” của Raskolnikov, có nhiều hiện thân trong thiên tiểu
thuyết phức điệu của Dostoievski, song hiện thân sáng ngời nhất, bất tử nhất vẫn
là Sonia Marmeladova. Chỉ có một Sonia thánh hạnh với đức khiêm nhường cứng cỏi,
với những xác tín ăn vào máu thịt, với trí anh minh của trái tim, với tình yêu
hiến dâng không đòi đền đáp mới có thể cải tử hoàn sinh cho tâm hồn
Raskolnikov. Sonia là con chiên nhiệt thành của Chúa Kitô, đạo đức và đạo lí của
Sonia không phải là của con người tự nhiên, mà do Kitô di huấn - Dostoievski
đinh ninh như thế. Chối bỏ và phản lại Kitô, như Raskolnikov làm, là đẩy mình
và nhân quần đến sự bại vong và diệt vong. Dostoievski trong Tội ác và trừng phạt
và các tác phẩm sau này sẽ kiên trì tìm giải pháp cho mọi vấn đề xã hội và con
người, xuất phát từ lí tưởng và học thuyết của Kitô, như là ông hiểu nó. Ta
không vội phán xử ông, mà sẽ cố theo dõi sự vận động của tư duy ông.
Một niềm tin sâu kín và thường trực của Dostoievski: “Cái Đẹp
sẽ cứu chuộc thế giới!” Cái Đẹp ở đây tất nhiên là cái đẹp của bản thể, hòa hợp
và không tách rời cái Chân, cái Thiện, Tình Yêu, Tự Do, Sáng Tạo, Bất Tử - tất
cả các giá trị tuyệt đối của sự sống. Dostoievski suốt đời suy nghĩ về bản chất
bí ẩn của cái đẹp, vì sao con người cần đến nó. Ông viết trong Nhật kí nhà văn
(1873): “Cái đẹp... thể hiện cho con người và loài người những lí tưởng của họ”.
Con người và loài người không thể sống không có lí tưởng và khao khát được thấy
lí tưởng ấy hiện hình trong cái đẹp.
Trong Lũ người quỷ ám - tác phẩm tối tăm ảm đạm nhất của ông
- Dostoievski nói mượn lời một trong những nhân vật chính, nhân vật này đương
diễn thuyết, biện luận hăng say trước một cử tọa hết sức thờ ơ với những tư tưởng
tâm đắc của y: “Không có người Anh nhân loại sống được, không có nước Đức cũng
thế, không có người Nga sống được quá chứ, không có khoa học cũng được, không
có bánh mỳ cũng được, chỉ không có cái đẹp là không thể sống được, bởi vì sẽ
không còn gì để làm trên đời này nữa. Toàn bộ bí mật là ở đây, toàn bộ lịch sử ở
đây”. Cũng nhân vật ấy sẽ nói trước khi chết, giải thích vai trò của cái đẹp - ở
đây đồng nhất với cái cao cả - trong lịch sử loài người: “Toàn bộ quy luật của
sự tồn tại nhân loại chỉ là để sao cho con người luôn luôn có một cái gì lớn
lao vô hạn để tôn thờ. Nếu bị tước đoạt cái lớn lao vô hạn này, con người sẽ
không còn muốn sống và sẽ chết trong tuyệt vọng. Cái Vô Hạn và Vô Cùng cũng cần
cho con người như cái hành tinh bé nhỏ, nơi nó sống”. Do vị trí thiết yếu vô
song ấy trong đời sống con người, cái đẹp, khi nó hiển lộ đầy đủ như là hiện
thân của lí tưởng, sẽ phát huy tác dụng cải tử hoàn sinh cho loài người sa đọa
lầm lạc, làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của thế giới đương đắm chìm trong tội lỗi
và khổ đau. Cái đẹp sẽ là sức mạnh cứu thế.
Đó là xác tín của Dostoievski. Cùng với những xác tín khác,
nó tạo nên một cực rất mạnh và thường trực trong thế giới tinh thần của ông. Cực
khác là thực tại, mà trong đó nhà văn đương sống, đương nhận thức nó và khao
khát nó đáp ứng những mong đợi của mình. ý đồ của tiểu thuyết Chàng Ngốc hình
thành trong thế đối lập hết sức căng thẳng của hai cực ấy.
Công tước Mưskin, hiện thân của cái đẹp tinh thần: một tâm hồn
thánh thiện không vẩn đục bụi trần, thương yêu vô điều kiện đồng loại, xả thân
vì họ, sẵn sàng làm anh em, làm trợ thủ, làm bạn tâm tình của tất cả mọi người.
Nastasia Philippovna, hiện thân của cái đẹp thân thể - tâm hồn: một nhan sắc
nghiêng nước nghiêng thành, một cuộc đời khổ đau, một nhân phẩm bị chà đạp
nhưng luôn luôn ngưỡng mộ hướng về cái thiện và công lí. Hai hiện thân của cái
đẹp ấy sẽ tác động thế nào đến cuộc đời và cuộc đời sẽ tác động thế nào đến họ?
Tiểu thuyết Chàng Ngốc mô tả số phận của cái đẹp, cái tuyệt hảo trong thế giới
đọa lạc, bất hảo.
Những tác động đầu tiên đến nhân quần của công tước Mưskin -
trong hình tượng nhân vật này phảng phất bóng dáng của một số nhân vật nổi tiếng
của văn học thế giới: Don Quichotte, Picquick... và của chính Kitô, “gương mặt
đẹp chính diện vô tiền khoáng hậu” - giống như tác động của ánh sáng tới những
sinh vật sống trong bóng tối. Những con người xung quanh Mưskin, dù họ có là ai
trong xã hội Nga bấy giờ, tất cả đều bất hạnh - bất hạnh vì sự độc ác, ích kỉ,
tham lam mù quáng của kẻ khác và vì sự quá ư không hoàn hảo của chính mình.
Trong thâm tâm, họ khát khao một cuộc sống khác, và ban đầu Mưskin quả làm thức
dậy được cái phần tốt đẹp ở trong họ, tập hợp họ xung quanh mình. Nhưng những
phản ứng ngược lại cũng bộc lộ rất nhanh và mỗi lúc một gia tăng dữ dội. Luật của
thế giới đen tối và giả dối không dung nạp luật của con người trong sáng và
chân thật. Cuộc đụng độ là không thể tránh khỏi và kết cục của nó được định trước
: công tước Mưskin sẽ bại vong, kéo theo mình một linh hồn thân thương mà chàng
muốn cứu giải trước tiên, một sắc đẹp tuyệt thế mà chàng ngưỡng mộ - Nastasia
Philippovna. Sự bại vong của cái đẹp là cốt lõi của bi kịch, và Dostoievski quả
đã viết nên một bi kịch nhân loại không có biên giới, không gian thời gian. Bộ
phim xuất sắc của Kurosawa Chàng Ngốc mà trong đó các nhân vật của Dostoievski
trở thành người Nhật, sự việc diễn ra ở nước Nhật thế kỉ XX cho thấy rất rõ điều
đó.
Có thể rút ra những kết luận khác nhau từ thất bại của
Mưskin. Tác giả không tiếc chi tiết để làm nổi rõ sự yếu đuối bất lực, sự ngây
thơ khờ dại của nhân vật của ông. Với những ảo tưởng và ngộ nhận không thể sửa
chữa về người đời, với chí hướng khoan dung tha thứ tất cả, Mưskin không thể
tìm cho mình chỗ đứng trong cuộc đời (lịch sử quan hệ của nhân vật này với
Aglaia và với Rogogin không để lại nghi ngờ gì về mặt này). Mưskin lại càng
không thể thành đạt trong những nỗ lực can thiệp vào sự đời, cải hóa nhân quần.
Để cải tạo xã hội, để chiến thắng cái ác, con người cần có nhiều phẩm chất khác
và cương lĩnh hành động khác. Thế nhưng dưới ngòi bút của Dostoievski, cái xã hội
mà trong đó không có chỗ cho Mưskin và Nastasia Philippovna, không gì thay đổi
sau khi hai hiện thân của cái đẹp ấy ra đi - xã hội ấy lộ hết tính phi nhân đến
trái tự nhiên và vì thế mà hư ảo của mình, còn chân lí của kẻ chiến bại Mưskin
thì lại tỏa sáng mãi mãi, hứa hẹn thành công trong những cục diện nhân thế
khác. Cũng như mọi tác phẩm bi kịch thực thụ, Chàng Ngốc tiềm ẩn ánh sáng của
hi vọng phục sinh.
(Còn nữa)
Theo : Giáo sư Phạm
Vĩnh Cư