Peterburg, nơi Dostoievski trở về vào đầu thập niên 1860-1870, đương sục sôi không khí “đêm trước” cách mạng. Chế độ phong kiến nông nô đang sống những ngày cuối cùng. Nước Nga sau đó sẽ đi đâu? Trước câu hỏi ấy, xã hội phân chia thành nhiều phe phái. Phái cấp tiến nhất - phái cách mạng dân chủ với Chernyshevski là lãnh tụ tinh thần kêu gọi nước Nga “cầm lấy rìu”, đánh đổ nhà nước quân chủ chuyên chế, đưa nước nhà lên thẳng chủ nghĩa xã hội.
Do ảnh hưởng của tuyên truyền cách mạng, sinh viên bãi khóa, biểu tình, những phần tử manh động đốt cháy từng khu phố. Phái tự do tư sản sùng phương Tây thì hô hào nhanh chóng du nhập những định chế của phương Tây: hiến pháp, nghị viện, các quyền tự do công dân... để đưa nước Nga đuổi kịp thế giới văn minh. Phe bảo thủ thân Xlavơ cổ xúy bảo tồn “quốc hồn quốc túy” bằng cách phục hồi những kỉ cương trật tự cổ xưa, trước thời Piôtr Đại đế. Dostoievski không theo phái nào, giữ lập trường riêng mà sau này ông sẽ diễn đạt là “sự tổng hòa giải các tư tưởng” trên cơ sở lí tưởng Kitô giáo. Ông và anh ruột thành lập một diễn đàn riêng - tạp chí Thời buổi (Vremia), sau đổi tên thành Thời đại (Epokha) để phát biểu những quan điểm của mình về những vấn đề thời sự của đất nước.
Tạp chí này tồn tại không lâu do cái chết đột ngột của người anh Dostoievski (1864), nhưng nó đã để lại dấu ấn trong lịch sử báo chí Nga. Dostoievski đăng trên tạp chí này tất cả những tác phẩm ông viết trong khoảng 1860-1864, đích thân phụ trách phần văn học và phê bình văn nghệ của tạp chí. Ông tự tay viết một loạt bài phê bình, tranh luận với cả các báo cực tả lẫn cực hữu xung quanh những vấn đề đương nổi lên gay cấn thời ấy như chức năng nhiệm vụ của nghệ thuật, quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống, thế nào là chủ nghĩa hiện thực trong văn nghệ. Quan điểm của Dostoievski khá độc đáo và sâu sắc, đáng được đời sau biết đến. Thí dụ, ông khẳng định: không có thứ “nghệ thuật vị nghệ thuật”, mọi nghệ thuật đích thực đều vì con người và cần cho con người, không bây giờ thì mai sau, không trong hoàn cảnh này thì trong hoàn cảnh khác. Và vì thế cứ để cho người nghệ sĩ sáng tạo tự do, đừng ép anh ta theo khuynh hướng này hay khuynh hướng kia, nhập trường phái này hay trường phái nọ. Với cái đẹp cũng thế. “Con người tiếp nhận cái đẹp một cách hoàn toàn vô điều kiện, chỉ vì nó là cái đẹp, ngưỡng mộ nghiêng mình trước nó, không hỏi vì sao nó có ích...” Cái đẹp là “mục đích cuối cùng của sinh tồn”. Từ luận điểm này, dễ bắc cầu sang định thức nổi tiếng sau này của Dostoievski: “Cái đẹp sẽ cứu chuộc thế giới”.
Hè năm 1862, Dostoievski thực hiện chuyến viễn du đầu tiên sang châu Âu. Ông viếng thăm châu Âu không phải như một du khách nhàn rỗi, mà như một nhà tư tưởng đã có những chủ kiến về thế giới ấy và muốn lấy cái tai nghe mắt thấy kiểm nghiệm những ý kiến của mình. Kết quả của chuyến đi là thiên chính luận triết học dưới hình thức thể kí Ghi chép mùa đông về những cảm tưởng mùa hè (1863). Dostoievski tập trung quan sát hiện thực xã hội ở hai thành phố lớn - Paris và London, một cái là “thiên đường”, một cái là “địa ngục” của Tây Âu tư bản chủ nghĩa, và nhận định: nền văn minh châu Âu đã đi vào ngõ cụt, nó đã phản bội lí tưởng cao đẹp mà chính nó đề xướng, nó bóc lột thậm tệ giai cấp cần lao để đem lại lợi ích cho một thiểu số nhỏ, mà lối sống của thiểu số ấy là lối sống cá nhân vị kỉ, “mỗi người vì mình, Thượng Đế vì mọi người” hay là “chiến tranh của tất cả chống lại tất cả”; sự giải phóng cá nhân ở đây chỉ dẫn đến sự cô đơn, tha hóa và thui chột nhân cách con người.
Kết luận: con đường của Tây Âu không phải là con đường của nước Nga, ở Nga, nơi mà lí tưởng bác ái do Kitô di huấn vẫn sáng chói trong tâm thức dân tộc, chế độ xã hội, quan hệ cá nhân - tập thể phải được thiết lập trên cơ sở khác - trên cơ sở tình yêu và tự do. Trong Ghi chép mùa đông về những cảm tưởng mùa hè, Dostoievski lần đầu tiên phác thảo và công bố cái học thuyết xã hội - nhân văn của mình, trong đó vấn đề tự do mới được đề cập lướt qua. Trọng tâm của thiên chính luận là phản bác óc sùng bái mù quáng, bắt chước một cách nô lệ phương Tây.
Ghi chép mùa đông về những cảm tưởng mùa hè cho thấy một đặc điểm của tư duy Dostoievski: ông luôn luôn bám sát thời cuộc, quan tâm tha thiết đến ngày hôm nay, nhưng trong mớ bòng bong của ngày hôm nay ấy ông sẽ lẩy ra và bắt người đọc ông tập trung chú ý vào những vấn đề hệ trọng nhất và muôn thuở nhất của nhân sinh. Ông là một nhà báo siêu hạng.
Cũng năm 1863, mấy tháng sau khi xuất hiện Ghi chép mùa đông về những cảm tưởng mùa hè, Chernyshevski đăng trên tạp chí Người cùng thời đại tiểu thuyết Làm gì? trình bày cương lĩnh cải tạo xã hội, xây dựng con người mới của ông và vẽ nên bức tranh tương lai một màu tươi sáng của nhân loại. Dostoievski lập tức bước vào tranh luận với Chernyshevski bằng tác phẩm Bút kí từ nhà hầm, trong đó vấn đề tự do của con người sẽ trở thành trọng tâm tư tưởng. Lần này Dostoievski tranh luận một cách rất độc đáo, với nghệ thuật cao cường của một tiểu thuyết gia đại tài. Ông sáng tạo một nhân vật tiểu thuyết hẳn hoi, để cho nó kể về mình, tự nhận xét mình, phát biểu những ý kiến của mình về cuộc đời và con người và nhân tiện tranh luận với Chernyshevski, không gọi tên ông. Chỉ khúc xạ qua lời nói của nhân vật, người đọc có thể đoán biết chủ kiến của tác giả. Mặt khác, thông qua nhân vật ấy, với tính cách, hành vi, quan điểm của nó, Dostoievski xác định nhãn thức của mình về con người, xây dựng cái mà người đời sau sẽ gọi là “nhân học Dostoievski”. Thế thì Dostoievski tranh luận nhiều nhất với Chernyshevski về cái gì?
Dostoievski nhìn thấy - và ông không ngộ nhận - ở Chernyshevski một môn sinh của các nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng Châu Âu, mà học thuyết Dostoievski đã biết từ những năm 40 thế kỉ XIX. Cái “lâu đài bằng pha lê” trong tiểu thuyết Làm gì?, nơi loài người trong tương lai sẽ sống, lao động và hưởng thụ chung, có những thông số cơ bản chung với một phalanstère (nhà chung) của Fourier hay công xã Icarie của Cabet, mà với Dostoievski, cuộc sống ở đấy “còn đáng ghét hơn, khủng khiếp hơn tù khổ sai”. Các kiểu nhà chung và công xã ấy thể hiện một lối tư duy và một phương cách giải quyết vấn đề xã hội - con người, cá nhân - tập thể mà Dostoievski không thể chấp nhận. Theo một truyền thống tư tưởng có lịch sử ngàn đời - nó kéo từ thời cổ đại Hi-La (Platon), qua Phục Hưng (T.Moore, Campanella, F.Bacon) sang cận đại - các nhà xã hội và cộng sản chủ nghĩa châu Âu trước Mác chẳng thấy một cách nào giải quyết những mâu thuẫn xã hội, ngăn chặn chủ nghĩa cá nhân và những xung đột cá nhân - tập thể ngoài cách khống chế gắt gao cá nhân, bắt nó chịu sự chi phối một chiều và vô điều kiện của tập thể, đồng hóa cá nhân với những chức năng xã hội. Cá nhân ở đây về thực chất đã bị xóa bỏ, chỉ còn lại những cá thể, những “tiêu bản” của loài người.
Trong các học thuyết về xã hội lí tưởng của các nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng thuộc mọi thời đại, ta đều thấy những mô hình bất biến, quy định trước từng li từng tí, một lần và vĩnh viễn đời sống xã hội và cá nhân, duy lí hóa triệt để cuộc sống để phòng tránh mọi mâu thuẫn, mọi xung đột - Dostoievski phẫn nộ gọi chúng là những học thuyết “tổ kiến”, là “chủ nghĩa bầy đàn”, và xem ra ông không bất công. Loài người trong thế kỉ vừa qua đã phải trả giá quá đắt cho cái lối giải quyết quan hệ cá nhân - tập thể như thế, cho những đồ án xã hội duy ý chí một cách không tưởng như thế. “Cái đáng sợ nhất ở các thuyết không tưởng là chúng dễ trở thành hiện thực” - Nikolai Berdiaev, một trong những triết gia lớn nhất thế kỉ XX và một trong những người con tinh thần của Dostoievski, viết không sai một tí nào.
Nhân vật Bút kí từ nhà hầm, một cái đầu chuộng nghịch lí, đưa ra ba mô hình biểu tượng về tổ chức xã hội loài người: “tổ kiến”, “chuồng gà” và “lâu đài pha lê”. “Tổ kiến” thì đương nhiên hắn không chấp nhận, nhưng “lâu đài pha lê” hắn cũng không ưng. Hắn nói: nếu chẳng có gì tốt hơn, thì thà chọn “chuồng gà”. Chuồng gà là nơi ngủ qua đêm, nơi tránh mưa, một cái gì đó tạm thời, có thể phá đi làm lại. Còn lâu đài pha lê được ban quy chế của cái vĩnh cửu, cái thiêng liêng, ở đấy không được thay đổi một cái gì cả, trong đó mọi người đều hạnh phúc và phải hạnh phúc, không ai được phép đau khổ. Thực chất “lâu đài pha lê” cũng là “tổ kiến”, một tổ kiến được cải tiến, trong đấy cũng không có tự do.
Vấn đề mấu chốt là ở đây. Dostoievski chống chủ nghĩa cá nhân, nhưng ông quý cá nhân và tự do cá nhân, quý sự đa dạng muôn màu muôn vẻ của xã hội loài người, tính chủ động và quyền tự chủ của từng con người. Với Dostoievski, mỗi con người là một giá trị tự thân và vô điều kiện, Dostoievski đòi hỏi cho nó “sự phát triển tối đa”, “sự tự biểu hiện tối đa”. Hạnh phúc của con người, nó phải tự ý niệm và tự làm nên, không thể ban phát và lại càng không thể cưỡng bức hạnh phúc. Bảo vệ “quyền đau khổ” của mình, cương quyết không chịu vào ở cái “lâu đài hạnh phúc chung”, nhân vật Bút kí từ nhà hầm dưới hình thức nghịch lí bênh vực quyền tự do của con người. Với nó, tự do quý hơn hạnh phúc.
Tự do thuộc về bản chất của con người. Tước đoạt tự do của con người là tước đoạt nhân tính của nó - đó là điểm trung tâm trong nhân học Dostoievski. Bút kí từ nhà hầm mở đầu cho một loạt tác phẩm tiểu thuyết của Dostoievski mà trong đó vấn đề tự do của con người sẽ được xem xét trong phép biện chứng và trên các hướng tự khẳng định khác nhau của nó. Nhân vật Bút kí từ nhà hầm đòi hỏi cho mình một tối đa tự do, nó không chấp nhận một sự trói buộc nào, một sự áp đặt nào từ bên ngoài, nó muốn tự phán xét và tự lựa chọn tất cả, và tác giả ở phần đầu của tác phẩm hoàn toàn đồng tình với nó. Nhưng ở phần hai, ông sẽ cho thấy tự do sẽ đưa con người không có lí tưởng dẫn đường ấy, con người là nô lệ của chính mình ấy, đến đâu. Tự do sẽ là ảo tưởng, bởi vì con người ấy trong mọi cảm nghĩ, mọi hành vi ứng xử đều lệ thuộc vào ý kiến và cái nhìn của người khác; tự do sẽ là nguy hại, bởi vì muốn “cởi trói” mình khỏi ràng buộc với xã hội, muốn khẳng định sự độc lập tuyệt đối của mình, con người ấy sẽ gạt bỏ một cách tàn nhẫn và hèn hạ tặng phẩm cao quý nhất mà cuộc đời đem lại cho nó - tình yêu.
Kết luận sơ bộ mà tác giả không nói ra, nhưng người đọc có thể rút ra từ tác phẩm của ông: không có tự do thì không còn con người, nhưng chỉ có tự do trong chân lí mới nâng cao con người, các con đường tự do khác đều dẫn nó đến bại vong. Tự do khó biết bao nhưng cũng tương xứng biết bao với phẩm giá con người!
“Trong khoảng 15 năm, từ 1865 đến 1880, Dostoievski viết nên những tiểu thuyết triết lí chủ yếu của mình: Tội ác và trừng phạt, Chàng Ngốc, Lũ người quỷ ám, Đầu xanh tuổi trẻ, Anh em nhà Karamazov. Sau chúng, nhân loại đã trưởng thành thêm một bước”. - Một nhà khoa học Nga thời Xôviết viết trong một cuốn sách bàn nhiều về quan hệ tinh thần giữa Dostoievski và Einstein.
Một sự đánh giá rất cao, nhưng không quá cao.
Năm tiểu thuyết nói trên, sáng tác trong 15 năm cuối đời của Dostoievski quả là một quần thể kiệt tác kì vĩ và độc đáo vô tiền khoáng hậu. Chúng chứa đựng những khám phá to lớn nhất của Dostoievski về con người, những ý tưởng sâu sắc về lẽ sống và những đường hướng hoàn thiện sự sống, những tiên đoán và cảnh báo lúc phát ra tưởng là huyễn hoặc, nhưng sự anh minh của chúng sẽ được các thế hệ mai sau khâm phục thừa nhận. Chúng là một vũ trụ nghệ thuật hết sức mới lạ đối với ý thức văn học cùng thời, có thể so sánh với vật lí hiện đại trong quan hệ với vật lí cổ điển. (Không phải ngẫu nhiên mà nhà sáng lập vật lí học hiện đại Einstein yêu Dostoievski đến thế, Dostoievski đã cho ông “nhiều hơn bất cứ một nhà tư tưởng nào, nhiều hơn Gauss”, nhà tiền khu của ông trong toán học). Về mặt loại hình, ai ai cũng cảm thấy chất cách tân rõ rệt của những tiểu thuyết ấy, nhưng chưa ai đưa ra được định nghĩa bao quát đầy đủ các đặc điểm cấu thành của chúng: “tiểu thuyết triết lí”, “tiểu thuyết tư tưởng”, “tiểu thuyết - bi kịch”, “tiểu thuyết phức điệu”.... - tất cả những giới thuyết ấy, mặc dù chúng đều đúng đắn và sâu sắc, vẫn không lột tả hết tính độc đáo sáng tạo của những kì đài nghệ thuật mang tên Dostoievski.
“Phép lạ” của những kiệt tác ấy càng nổi rõ hơn, nếu ta nhớ lại hoàn cảnh của nhà văn trong những năm ấy: những cơn động kinh liên tiếp (tần số đặc biệt cao trong những năm 1865-1871, trung bình 10 ngày một cơn, sau mỗi cơn Dostoievski không thể làm việc 3-4 ngày) và các bệnh kinh niên khác; nợ nần chồng chất (trong đó có khoản nợ lớn do tạp chí của anh em Dostoievski phá sản, nhà văn cam kết trả dần cả phần nợ của người anh quá cố) và sự truy lùng của các chủ nợ đã buộc Dostoievski phải trốn ra sống ở nước ngoài nhiều năm; những lo toan bề bộn cho gia đình và họ hàng... Cộng vào đấy là nỗi ham mê cờ bạc đã đeo đuổi Dostoievski gần 10 năm và nhiều phen đẩy ông đến cảnh khốn cùng, nhưng không có nó, chưa chắc ông đã viết nên một truyện dài, vừa là thiên kí sự vừa là một bài nghiên cứu tâm lí rất đặc sắc - Con bạc (1866), truyện này ra mắt độc giả cùng một lúc với Tội ác và trừng phạt.
Nhân vật nam chính trong chuyện - Aleksxei Ivanovich, một thanh niên làm gia sư cho một gia đình quý tộc Nga sống ở nước ngoài. Y có hai đam mê: mê giai nhân tiểu thư Polina, con gái riêng của vợ quá cố của ông chủ, và mê đánh bạc. Polina, một tâm hồn kiêu sa và bất hạnh, khinh rẻ y, ngay trước mắt y bắt tình với một công tử Pháp hào hoa phong nhã, nhưng càng bị khinh rẻ, y càng yêu giai nhân mãnh liệt hơn, một tình yêu-căm thù khá đặc trưng cho thế giới nghệ thuật của Dostoievski. Polina, thất vọng bởi người tình Pháp và trong gia cảnh rối bời, đến với y và nhanh chóng nhận ra rằng y không phải là của nàng hoàn toàn - một nửa tâm hồn y để ở sòng bạc. Y mê cờ bạc không phải vì mộng làm giàu, mà vì những cảm xúc cực mạnh, những khoái lạc đỏ đen của cuộc chơi. Với y, sống đồng nghĩa với chơi. Y không đánh đổi cuộc đời sóng gió thường nhật của con bạc khát nước lấy lối sống trưởng giả bình yên, khôn ngoan, cóp nhặt. So sánh mình với những người Pháp, Đức, Anh... tập hợp ở cái trung tâm cờ bạc quốc tế này, y nhận ra những đặc điểm thuộc bản tính dân tộc Nga của mình: quá phóng túng, không có phong độ và không biết tự kiềm chế. Aleksei Ivanovich là tiền thân của Dmitri Karamazov.
Ba năm sau Con bạc, giữa hai tiểu thuyết Chàng Ngốc và Lũ người quỷ ám, Dostoievski viết một thiên truyện tâm lí khác - Người chồng muôn thuở (1869). Một gã quý tộc thuộc xã hội thượng lưu Peterburg gần đến tuổi tứ tuần thấy chán ngán vô độ cuộc sống nhàn tản và hưởng lạc của mình. Hắn bắt gặp một người quen cũ, một viên chức từ tỉnh lẻ lên thủ đô tìm hắn, đấy là chồng của một người tình cũ mới qua đời của hắn. Người chồng này suốt đời đặt trọn niềm tin vào người vợ mà y đinh ninh là thủy chung, hiền thục, và chỉ khi vợ đã chết y mới khám phá ra rằng mình đã bao nhiêu lần bị lừa dối. Y quyết tâm tìm và trả thù những tình địch. Một “người chồng muôn thuở” đối đầu với một “tình nhân muôn thuở”, hai người căm ghét nhau đến không đội trời chung, nhưng dần dà cả hai đều nhận ra rằng họ vừa không chịu được nhau, vừa không thể sống không có nhau. Họ là một cặp song trùng, vừa đối nghịch vừa bổ sung nhau. Mỗi người một kiểu, song cả hai đều là nô lệ của phụ nữ, người chồng thì vì sự khâm phục và phục tùng vợ đã ăn vào máu thịt, còn người tình thì, như một Don Juan, không thể sống mà không chinh phục trái tim phụ nữ. Người chồng muôn thuở trong thâm tâm ghen tị với người tình muôn thuở, thèm khát vị trí của y, song người tình thì không khỏi lo ngại ngày nào đó sẽ rơi vào hoàn cảnh của người chồng.
Con bạc và Người chồng muôn thuở rõ ràng là hai tác phẩm không xoàng tí nào, song chúng không những bị che khuất bởi những tiểu thuyết vĩ đại của Dostoievski, mà chính tác giả cũng chẳng bao giờ nhắc đến chúng, một khi chúng đã được viết xong. Với tất cả sự hấp dẫn của chủ đề, tất cả những phân tích tâm lí rất tinh vi, tài tình, đây vẫn chỉ là ngoại vi của thế giới nghệ thuật Dostoievski. Ở Dostoievski, phân tích tâm lí không phải là mục đích tự thân, mà là phương tiện để khám phá thế giới tinh thần, thế giới của các tư tưởng, các tín niệm chiếm lĩnh tâm hồn con người và chi phối những hành vi của nó. Dostoievski là nhà tinh thần học nhiều hơn nhà tâm lí học. Chỉ cần so sánh ông, thí dụ, với S.Zweig hay M.Proust, là ta thấy rõ tất cả sự khác biệt giữa hai kiểu tài năng này.
(Còn nữa)
Theo : Giáo sư Phạm Vĩnh Cư