Giới thiệu về tôi

Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

Trích ĐẠO ĐỨC KINH: 
Chương 72
Dân chi uý uy tắc đại uy chí. Vô hiệp kì sở cư, vô yếm kì sở sinh. Phù duy bất yếm, thị dĩ bất yếm. Thị dĩ thánh nhân tự tri bất tự hiện, tự ái bất tự quí. Cố khử bỉ thủ thử.
*
Dân mà không sợ sự uy hiếp (tức hà chính, bạo hình) của vua thì sự uy hiếp lớn của dân sẽ đến với vua (tức dân sẽ nổi loạn). Đừng bó buộc đời sống của dân (để cho dân an cư), đừng áp bức cách sinh nhai của dân. Vì không áp bức dân nên dân mới không bức lại vua (không phản kháng).
Vì vậy thánh nhân biết quyền năng của mình mà không biểu lộ ra, yêu cái đức của mình mà không tự cho là tôn quí. Cho nên bỏ cái sau (tự hiện, tự quí) mà giữ cái trước (tự tri, tự ái).

Nguyễn Hiến Lê

Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015


Tranh: Jean Pierre Zimmermann 
Painter Koukei Kojima@ ( Japaniese ) 19

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2015

NOWAY ( NA UY )


                                  Ảnh: Wonderful Places In The World

Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

SINH NHẬT

Tranh Marc Chagall

Bài học của Khổng Tử: Vì sao 3 x 8 = 23?

Nhan Uyên, Khổng Tử,



Nhan Uyên ham học hỏi, là một đệ tử của Khổng Tử, tính tình tốt bụng. Một ngày nọ, trên đường đi làm việc, Nhan Uyên thấy một đám đông ồn ào trước cửa tiệm vải. Anh bước đến hỏi, mới biết là đang có tranh chấp giữa người mua và người bán vải.
Chỉ nghe người mua hét lớn: “Ba nhân tám là 23, sao ông cứ đòi ta 24 đồng?”
Nhan Uyên đến trước mặt người mua, lễ phép nói: “Vị đại ca này, ba nhân tám là 24, sao có thể là 23 được? Anh tính sai rồi, không nên cãi lộn ầm ĩ nữa”.
Người mua không phục, chỉ thẳng mặt Nhan Uyên nói: “Ai cần ngươi phân xử hay sao? Ngươi biết tính toán sao? Muốn phân xử chỉ có cách tìm Khổng phu tử, đúng hay sai hãy để ông ấy định đoạt. Đi! ta hãy tìm ông ấy để phân xử”.
Nhan Uyên đáp: “Được. Nếu Khổng phu tử nói anh sai, vậy xử lý sao?”
Người mua nói: “Nếu ta sai, hãy lấy đầu ta. Nhà ngươi sai thì sao?”
Nhan Uyên trả lời: “Nếu tôi sai, tôi sẽ từ quan”.
Hai người đánh cuộc với nhau như thế, cũng đã tìm gặp được Khổng Tử.
Khổng Tử nói: “Ba nhân tám là 23”, Nhan Uyên lòng không phục.
Khổng Tử hỏi rõ tình huống, rồi quay sang Nhan Uyên cười nói: “Ba nhân tám là 23 đó! Nhan Uyên, con thua rồi, lấy mũ quan xuống đem cho người ta đi”.
Nhan Uyên trước giờ chưa bao giờ cãi lại sư phụ. Nghe Khổng Tử nói mình sai, anh đành tháo mũ xuống giao cho người mua kia. Người mua nhận mũ, đắc ý rời đi.
Đối với lời phân xét của Khổng Tử, Nhan Uyên biểu hiện là tuân theo, nhưng trong tâm lại không phục. Anh cho rằng Khổng Tử già rồi đâm ra hồ đồ, liền không muốn ở lại học tập Khổng Tử nữa.
Ngày hôm sau, Nhan Uyên quay lại lấy cớ nhà có việc muốn xin nghỉ học…Khổng Tử rất rõ tâm tư Nhan Uyên, nhưng không nói gì, chỉ gật đầu đồng ý.
Trước khi đi, Nhan Uyên quay lại cáo biệt Khổng Tử. Khổng Tử muốn Nhan Uyên trở về nhà bình an, cũng dặn dò hai câu:

“Cổ thụ nghìn năm không náu thân, sát nhân không rõ chớ động thủ”.
Nhan Uyên đáp lại một câu: “Con xin ghi nhớ”, rồi rời đi.
Trên đường về, gió thổi mây dâng, sấm rung chớp giật, trời muốn đổ mưa to. Nhan Uyên tiến đến một cây đại thụ mục rỗng bên ven đường, muốn tránh mưa.
Anh đột nhiên nhớ lại lời Khổng Tử đã nói: “Ngàn năm cổ thụ không náu thân”
Nghĩ thầm, sư đồ một lòng, anh nghe theo lời sư phụ, tránh xa khỏi cái cây rỗng. Vừa rời đi không xa thì nghe một tiếng sấm, sét đã đánh tan cây cổ thụ kia.
Nhan Uyên kinh ngạc: “Câu đầu sư phụ nói đã ứng nghiệm sao? Chẳng lẽ ta còn có thể sát nhân ư?”
Khi về tới nhà thì trời cũng đã khuya. Không muốn kinh động người nhà, Nhan Uyên dùng bảo kiếm mang theo bên người để đẩy chốt cửa phòng nơi thê tử của anh đang ngủ.
Đến bên giường, sờ lại thấy hai người nằm hai bên giường. Nhan Uyên vô cùng tức giận, giơ kiếm định chém, lại nghĩ đến câu nói thứ hai của Khổng Tử: “Sát nhân không rõ chớ động thủ”, bèn đốt đèn lên xem, hóa ra một người là thê tử, người kia là muội muội của anh.
Ngày hôm sau, Nhan Uyên quay trở lại, thấy Khổng Tử liền quỳ xuống nói: “Sư phụ, hai câu người nói đã cứu ba người là con, vợ con và muội muội của con đó! Sao người lại biết trước chuyện sẽ xảy ra vậy?”
Khổng Tử có đúng là có thể nhìn trước được tương lai? Hãy cùng xem tiếp…
Nhan Uyên cảm thấy kính phục sâu sắc, cũng đã biết được ẩn ý của Khổng Tử
Khổng Tử đỡ Nhan Uyên dậy và nói: “Ngày hôm qua thời tiết khô nóng, đoán chừng sẽ có cơn dông, nên ta nhắc nhở con: “Ngàn năm cổ thụ không ai náu thân”, con lại mang khí bực trong người, trên thân đeo bảo kiếm, cho nên ta khuyên con “sát nhân không rõ chớ động thủ”.
Nhan Uyên vừa vái lạy vừa nói: “Sư phụ liệu sự như thần, đệ tử mười phần kính nể!”
Mạng người quan trọng hay địa vị quan trọng?
Khổng Tử lại nói tiếp: “Ta biết rõ con xin phép về nhà nghỉ là mượn cớ, thật ra cho rằng ta đã già nên hồ đồ rồi, không muốn học ta nữa. Con nghĩ xem, ta nói ba nhân tám bằng 23 là đúng, con thua, bất quá là thua cái mũ quan kia, nếu ta nói ba nhân tám bằng 24 mới đúng, người mua kia thua, đây là một mạng người đó. Vậy con nói xem, chức vị quan trọng hay mạng người quan trọng hơn?”
Nhan Uyên bỗng nhiên tỉnh ngộ, quỳ gối trước mặt Khổng Tử mà thưa: “Sư phụ trọng đại nghĩa coi nhẹ tiểu tiết, đệ tử còn tưởng rằng Sư phụ vì lớn tuổi mà thiếu minh mẫn, đệ tử hổ thẹn vạn phần”.
Từ đó về sau, bất luận Khổng Tử đi đến đâu, Nhan Uyên theo đến đó không rời sư phụ.
Trong một bài hát tuyệt vời của Khắc Lý Lâm: “Nếu như mất đi bạn, được cả thế giới cũng để làm gì?”
Cũng như vậy, đôi khi bạn tranh đấu giành được điều bạn cho là lẽ phải, nhưng điều mất đi có lẽ còn quan trọng hơn,
Luôn luôn phân rõ sự tình nặng nhẹ, đừng gắng sức tranh giành, rồi sau hối hận không kịp.
Rất nhiều chuyện không cần tranh giành, lùi một bước biển rộng trời cao.
Hơn thua với khách hàng, thắng ấy cũng là thua (khi sản phẩm mới cần đổi mẫu, bạn sẽ biết).
Hơn thua với ông chủ, thắng ấy cũng là thua (cuối năm lúc đánh giá thành tích, bạn sẽ biết).
Hơn thua với người già, thắng ấy cũng là thua (người ta không để ý tới bạn đâu, bạn vẫn phải tự mình làm thôi).
Hơn thua với bằng hữu, thắng ấy cũng là thua (làm không tốt sẽ mất đi một người bạn).
Lá trà nhờ nước sôi mới có thể tỏa ra mùi hương thơm ngát,
Sinh mệnh vượt qua bao trắc trở, mới để lại tiếng thơm cho đời…
Hiểu được điều đó sẽ luôn luôn cảm ơn cuộc đời… vậy là hạnh phúc nhất đấy.
Giáo dục là một vấn đề vô cùng trọng yếu,
Bất luận điều gì chưa rõ, hãy cùng nhau bàn bạc giải quyết.
Nếu không, sai một niệm có thể sẽ hỏng một đời…
Thật là những suy nghĩ sâu sắc!

Theo daikynguyenvn.com

Thứ Hai, 14 tháng 9, 2015

Vì sao nhiều trường học ở Mỹ dạy học sinh thiền định?

Các bạn trẻ của dự án Ride 2 Freedom tĩnh lặng ngồi bên nhau trong lúc nghỉ ngơi. (Ảnh: Ride 2 Freedom/Facebook)
 
Người Mỹ vốn nổi danh là dẫn đầu trong khoa học công nghệ hiện đại nhưng nay cũng đang hào hứng tìm hiểu và thực hành các môn rất cổ xưa như thiền định, yoga… Nhiều trường học đã đưa thiền định vào dạy cho học sinh và họ rất hài lòng về những gì thu được. Vậy điều bí mật ẩn sau những môn truyền thống đó là gì?
Theo thời gian, thiền định cho thấy hiệu quả trong thực tiễn, chứ không phải là một chiêu thức quảng cáo phóng đại. Những người nổi tiếng như Jerry Seinfeld và Goldie Hawn đã công khai thảo luận về việc thực hành thiền định. Thậm chí cả quân đội cũng sử dụng biện pháp này để “cải thiện sức khỏe tinh thần dưới sức ép của căng thẳng và chiến tranh”.

Nhiều nghiên cứu cho thấy thiền định có mối liên hệ trực tiếp tới lợi ích sức khỏe

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) Internal Medicine chỉ ra rằng, chỉ cần 8 tiếng thiền định mỗi tuần, hiệu quả đem lại sẽ tương đương như thuốc điều trị trầm cảm, lo âu và đau đớn.
Thiền định tốt cho não bộ

Thứ Năm, 10 tháng 9, 2015

Người Trường Chay: Elizabeth Holmes, nữ tỷ phú trẻ nhất thế giới

Những bí mật thú vị về nữ tỷ phú trẻ nhất thế giới
Ngọc Anh (Theo Trí Thức Trẻ/Business Insider)

Người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Theranos là nữ tỷ phú tự thân (self-made) trẻ nhất thế giới. Vào năm 2003, khi còn là sinh viên năm hai tại Đại học Stanford, Holmes đã thành lập công ty công nghệ - y tế Theranos; hiện tại, với sự thành công của công ty, Holmes sở hữu 4,6 tỷ USD tài sản ròng.

Theranos là công ty công nghệ sinh học nghiên cứu cách thức mới để kiểm tra máu, có tổng giá trị 9 tỷ USD. Mục tiêu của Theranos là làm cho những thử nghiệm lâm sàng rẻ hơn và nhanh hơn. Theranos tiến hành kiểm tra các vấn đề về sức khỏe thông qua chỉ vài giọt máu thu được từ một cú chích rất nhẹ tại đầu ngón tay, thay vì một lọ máu như những xét nghiệm thông thường.

Từng đối mặt với sự hoài nghi của cộng đồng khoa học, công ty của Holmes đã vượt qua tất cả, và công nghệ xét nghiệm máu của cô đã được sử dụng ở nhiều trung tâm uy tín, ví dụ như Walgreens – hệ thống bán lẻ dược phẩm lớn nhất nước Mỹ.
 

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

Ảnh: Our Beautiful Planet

Nghiên cứu phức hợp về con người

Hồ Sĩ Quý 

Tạp chí Nghiên cứu con người

Hình tượng con người bị vỡ ra hàng nghìn mảnh, cần phải được tập hợp sắp xếp lại (M. Scheler).
I. Diogene chế nhạo Platon và đốt đuốc giữa ban ngày đi tìm con người

1. Tiếp cận phức hợp về con người không phải là phương thức nghiên cứu hoàn toàn mới. Người ta biết tới lối nhận thức này ngay từ thời cổ đại. Vào thời đó, Diogene, Socrate, và đặc biệt là Democrite đã nhìn con người như một thực thể toàn vẹn và chủ trương khám phá con người trong tính không chia cắt được của nó.
Nguyên nhân? Có lẽ đúng như nhiều tài liệu vẫn thường giải thích: dù cho giải phẫu học về cơ thể người ở Hypocrate và các học trò của ông đã đạt tới trình độ khá sâu, dù cho logic học ở Aristote đã phản ánh rất chính xác mặt hình thức của tư duy người, song tất cả những thành tựu tương tự mà nền triết học cổ đại đạt tới vẫn chưa đủ để phân ngành thành các khoa học độc lập, trong đó có khoa học về con người. Lúc đó, nền triết học cổ đại buộc phải chứa đựng trong nó tất cả kiến thức bách khoa về vũ trụ và cơ thể sinh học người, về luân lý học và thế giới tinh thần của con người, về toán học và những bí ẩn tâm linh của con người… Con người, cho đến trước khi thuyết nhật tâm của Copernic xuất hiện, được mặc nhiên xem là trung tâm của vũ trụ, cả về phương diện bản thể luận . Hình tượng Diogene chế nhạo Platon và đốt đuốc giữa ban ngày đi tìm con người phản ánh rất rõ thái độ không thoả mãn với những kiến thức riêng lẻ về con người: Khi Platon đưa ra định nghĩa "con người là động vật biết đứng bằng hai chân và không có lông", Diogiene đã vặt trụi lông một con gà và chế nhạo: "Hỡi nhà thông thái Platon, con người của ông đây" .
Kể từ ngày đó, cuộc thảo luận con người là gì ? dai dẳng kéo dài tới tận hôm nay. Và, đi liền với cuộc thảo luận đó là một sự lựa chọn cũng hết sức khó khăn - phải dùng phương thức nào để khám phá con người, đối tượng nhận thức phức tạp nhất trong số các đối tượng mà con người cần phải nhận thức?


2. Điều chúng tôi muốn lưu ý là, hiện có không ít tác giả ngỡ rằng tiếp cận phức hợp về con người chỉ là sản phẩm của khoa học hiện đại, khi các khoa học chuyên ngành về con người đã đạt tới trình độ rất cao. Sự thực không hẳn thế. Lịch sử nhận thức cho thấy rằng, nhận thức ban đầu về con người là nhận thức tổng thể. Đâu phải võ đoán mà C. Mác nhận định rằng, trong triết học Hy La cổ đại chứa đựng mầm mống của tất cả các thế giới quan về sau.
Nhưng suốt từ thời cổ đại cho tới tận giữa thế kỷ XX, khoa học chưa khi nào thỏa mãn với những hiểu biết tổng thể đã có về con người, nên đã đi theo hướng nghiêng hẳn về phía phân ngành ngày càng sâu để khám phá con người.

II. Hình tượng con người bị nát vụn thành những mẩu nhỏ

1. Tình trạng nhận thức nghiêng về phía phân ngành có lý do của nó. Khoa học, theo V.A. Lektorski, là sản phẩm của một trạng thái văn hoá - lịch sử xác định. Vào thời cổ đại, lý thuyết được hiểu như là những tiên đề, được cho ngay từ đầu, không chứng minh được nhưng có thể trực giác được, nắm bắt được một cách trực quan. Con người, bởi vậy cũng được nhận biết một cách cảm tính là đối tượng không thể cô lập hoặc chia cắt đế nghiên cứu. Với khoa học tự nhiên thực nghiệm thời cận đại, nơi thực sự bắt đầu của quá trình phân ngành các khoa học, thực nghiệm được coi là phương thức can thiệp có hiệu quả vào các quá trình tự nhiên nhằm hiểu rõ hơn cơ chế bên trong của các quá trình đó. Khoa học cận đại có khuynh hướng cho rằng, về nguyên tắc, con người có thể dự báo chính xác các quá trình khách quan, có thể kiểm soát và điều khiển chúng, và do đó trở thành kẻ thống trị giới tự nhiên . Với cách hiểu như thế, việc khoa học đi sâu khám phá ngày càng chi tiết "cỗ máy tự nhiên", mô hình hoá cơ chế vận hành của cỗ máy đó… đã trở thành khuynh hướng tin cậy trong sự tiến triển của khoa học. Đến khoa học hiện đại, xu hướng phân ngành có gắn kết hơn với xu hướng hợp ngành. Tuy thế, khi dựa vào những thành tựu của toán học hiện đại, công nghệ thông tin và những công cụ nghiên cứu siêu việt khác… phân ngành vẫn chiếm ưu thế và ngày càng trở nên tinh vi hơn, đồng thời cũng hữu hiệu hơn. Trên thực tế, quá trình phân ngành đã phát hiện ra nhiều chuyên ngành thực sự khách quan, cho phép khoa học thu nhận được những kết quả hết sức vĩ đại, mà thành công trong việc giải mã bộ gen người cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI là một trong những kết quả như vậy - với bản đồ gen, con người “đã học được thứ ngôn ngữ mà Thượng đế đã tạo ra cuộc sống” (lời Francis Collins, giám đốc Human Genome Project ).

2. Đi liền với quá trình phân ngành là việc ứng dụng toán học hiện đại, các phương pháp nghiên cứu định lượng, các thiết bị hỗ trợ nghiên cứu, đặc biệt là những thành tựu của công nghệ thông tin... Từ nửa sau thế kỷ XX, trong hầu hết các khoa học xã hội và nhân văn đều có hiện tượng "vay mượn" phương pháp từ các khoa học khác bên cạnh việc sử dụng những phương pháp liên ngành, đa ngành. Điều đó góp phần làm cho khoa học xã hội và nhân văn có vị trí khắc hẳn trong đời sống xã hội. Khái niệm các khoa học xã hội và nhân văn cũng đã được giới hạn hơn và chặt chẽ hơn (ngày nay, không ai coi giải phẫu học, sinh lý người, y học... là thuộc hệ thống các khoa học xã hội và nhân văn, mặc dù đó chính là các khoa học về con người). Một loạt khoa học mới về xã hội đã lần lượt xuất hiện. Chẳng hạn, kinh tế học phát triển, khoa học đạo đức môi sinh (environmental ethics), khoa học sự sống (life sciences), lý thuyết sáng tạo (creativity),v.v... Cũng có những chuyên ngành đã có mầm mống từ trước, nhưng thực ra chỉ trưởng thành và định hình trong những thập niên gần đây như văn hoá học, tuơng lai học, các chuyên ngành nhân học (anthropology), quản lý xã hội, hoạch định xã hội (social planning), một số chuyên ngành tâm lý học, giáo dục học, nghệ thuật học, v.v...

3. Vấn đề là ở chỗ, do cần thiết phải đi theo xu hướng phân ngành, các khoa học hiện đại đã được chuyên biệt hoá ở mức quá sâu, thậm chí, có những chuyên ngành đến nay chỉ có một vài người thực sự hiểu được bản chất của nó. Ngày nay, không hiếm trường hợp có những chuyên gia nổi tiếng mà cũng không nắm chắc trong khoa học mà mình nghiên cứu có những chuyên ngành nào. S. Hawking, nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng người Anh nhận xét: “Thời Newton, một người có giáo dục rất có thể nắm bắt được toàn bộ kiến thức của nhân loại, ít nhất là trong những nét cơ bản. Song sau đó nhịp độ phát triển của khoa học làm cho khả năng trên không còn nữa... Ngày nay, bạn phải là một chuyên gia, và dẫu là một chuyên gia bạn cũng chỉ hy vọng nắm bắt được một phần các lý thuyết khoa học” . Điều đó về đại thể cũng là xu hướng tích cực, song khi các khoa học đã phân ngành quá sâu, đến mức “quá kỹ thuật và quá toán học” (chữ dùng của S. Hawking), thì mặt trái của nó đối với tư duy khoa học cũng rất đáng ngại, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu con người.

4. Trong nghiên cứu con người, khi cô lập những mặt, những khía cạnh nào đấy ở con người thành những đối tượng nghiên cứu chuyên biệt, thì con người hiện thực với tất cả tính đa dạng và phong phú trần thế của nó vô tình đã bị tước đi tính thống nhất, toàn vẹn vốn có. Việc đề cao các khoa học đi vào chuyên biệt, theo E. Morin, “một trong những gương mặt hàng đầu của tư tưởng châu Âu" , sẽ không tránh khỏi làm cho "bản sắc con người, tức là tính thống nhất, đa dạng phức hợp của loài người ... bị chuyên môn hoá và bị phân cách thành từng ngăn riêng khi triển khai hoạt động" (E. Morin không phải là đơn độc với những than phiền như vậy). Trong cuốn sách Trái đất - tổ quốc chung: Tuyên ngôn cho thiên niên kỷ mới, xuất bản 1993, E. Morin viết: "Các đặc trưng sinh học của loài người bị cắt rời từng mảng cho các khoa sinh học và y học. Các đặc trưng tâm lý, văn hoá và xã hội bị phân chia thành nhiều mảng bố trí trong nhiều bộ môn riêng biệt của của khoa học nhân văn và xã hội, đến nỗi xã hội hoá mất hết khả năng nhìn vào xã hội, sử học tự thu mình lại trong bản thân, và kinh tế học thì cố khai thác từ Homo sapien demens (người khôn/điên rồ) cái phần cặn bã đã vắt kiệt máu của con "người kinh tế" (homo economicus). Tồi tệ hơn thế, ý tưởng về loài người, tình người đã bị đập nát vụn thành những mẩu nhỏ... triết học thì khoá kín trong các trừu tượng hóa của mình, chỉ còn đủ sức để liên kết nhân loại qua những thể nghiệm thực tiễn và những căng thẳng hiện sinh của những học giả tầm cỡ như Pascal, Kierkegaard và Heideger, nhưng chưa một lần thành công trong việc nối liền thể nghiệm chủ quan với tri thức nhân học" .
Có cơ sở để nói rằng, chính những thành tựu mới của khoa học hiện đại, đặc biệt những thành tựu của các khoa học chuyên sâu, nhất là trong trường hợp các khoa học chuyên sâu không cùng đạt tới trình độ ngang nhau, đã làm hình ảnh về con người trong nhận thức bị “nát vụn thành những mẩu nhỏ”. Nếu các khoa học về con người tiếp tục đi sâu nghiên cứu theo hướng ngày càng chuyên biệt hơn, và điều này cho đến nay là vẫn chưa thể khác, thì để tránh tình trạng nhận thức về con người ngày càng bị chia cắt một cách quá biệt lập, trong khoa học đã nảy sinh nhu cầu cần phải có một cái nhìn toàn vẹn hơn về con người.

III. M. Scheler và tư tưởng về sự nối kết các tri thức về con người

1. Cái nhìn toàn vẹn về con người trong khoa học thế kỷ XX chính là một trình độ mới của xu hướng nghiên cứu toàn diện về con người; không phải toàn diện theo nghĩa mà Democrite và một số nhà thông thái cổ đại đã đòi hỏi (toàn diện theo những thuộc tính chung, trừu tượng, gạt bỏ nhưng biểu hiện đặc thù ), mà là toàn diện ở trình độ cao hơn: hợp ngành (integration) các khoa học và các phương thức nhận thức, trong đó có các phương thức nhận thức ngoài khoa học về con người.

2. Điều chúng tôi muốn lưu ý ở đây là, quan niệm về tình trạng nát vụn của các tri thức về con người và cần phải sắp xếp lại những tri thức ấy trong một khoa học thống nhất, đã có từ trước E. Morin. Chúng tôi không rõ có phải vì E. Morin bàn đến vấn đề một cách chi tiết hơn hay sâu sắc hơn mà người ta thường nhắc tới ông. Còn trên thực tế, M. Scheler, nhà triết học người Đức, người khởi xướng ngành nhân học (anthropology) hiện đại, trong tác phẩm nổi tiếng Địa vị của con người trong vũ trụ (1928) đã trăn trở rất sâu sắc và có những phát biểu rất ý nghĩa về điều này.
Kế thừa và phát triển những quan điểm về triết học cuộc sống của A. Schopenhauer, H. Bergson và F. W. Nietzsche, và những quan điểm về tâm - sinh lý học của Teilhard de Chardin và S. Freud, M. Scheler đã xem xét con người và xã hội loài người xuất phát từ ba bản năng sống đầu tiên - bản năng ăn uống, bản năng tình dục và bản năng quyền lực. Theo M. Scheler, những bản năng sống cơ bản đó đã quy định sâu xa sự vận động của đời sống con người dưới các hình thức xã hội phức tạp như nền kinh tế, thể chế hôn nhân, thiết chế nhà nước… M. Scheler chủ trương nghiên cứu con người phải chỉ ra được những bản năng sống và những khát vọng sống của con người đã được kết tụ như thế nào trong các hiện tượng, các thể chế xã hội phức tạp đó. Là người theo lập trường nhị nguyên, M. Scheler coi đời sống con người cũng là biểu hiện của bản nguyên tinh thần, cái có ý nghĩa nguyên tắc tối cao quy định bản chất con người. Toàn bộ thế giới đa dạng của cảm xúc con người như tình yêu, sự sám hối, mối thiện tâm, nỗi thất vọng, ý chí tự do... đều là biểu hiện phong phú của bản nguyên tinh thần. Với M. Scheler, tinh thần luôn là cái đối lập với bản năng sống và khát vọng sống. Con người càng lớn mạnh về tinh thần bao nhiêu thì càng yếu đuối về bản năng sống bấy nhiêu. Con người trong quan niệm của M. Scheler là một thực thể phức tạp. Cái thần thánh và cái bản năng ẩn giấu trong chính con người. Nhận thức được con người là điều không đơn giản và không thể chỉ bằng một phương thức duy nhất nào đó. Theo M. Scheler, “Nhân học triết học cần phải nối kết lại những thành tựu của các khoa học cụ thể, của triết học và của tôn giáo về con người. Hình tượng con người đã bị vỡ ra hàng nghìn mảnh, cần phải được tập hợp sắp xếp lại” . Như vậy, ở M. Scheler tư tưởng về sự cần thiết phải thống nhất các phuơng thức nhận thức để khám phá con người là rất rõ. Khoa học đảm đương nhiệm vụ này, theo ông, là nhân học mà trước hết là nhân học triết học (philosophical anthropology - do khuôn khổ có hạn của một bài báo, chúng tôi xin không trình bày những tư tưởng cũng rất độc đáo của M. Scheler về nhân học ở đây).

3. Nhưng nếu nói cho thật công bằng, thì không phải M. Scheler, mà chính I. Kant, người sáng lập nền triết học cổ điển Đức mới là người đầu tiên tỏ rõ thái độ không thoả mãn với cách thức nghiên cứu truyền thống về con người và đặt vấn đề cần phải có phương thức mới, phương thức đặc biệt để nghiên cứu con người. Theo P.S. Gurevich, “nhà nghiên cứu sâu sắc hơn cả trong tư tưởng Nga hiện đại về vấn đề con người” , thì "I. Kant là người đầu tiên của nền triết học châu Âu khẳng định rằng, con người là một thực thể độc nhất vô nhị có khả năng suy tư một cách riêng biệt và độc đáo. Con người - là khách thể bí ẩn và hấp dẫn tột cùng của sự tư biện triết học. Để khám phá bí ẩn của con người, cần phải có những công cụ không tầm thường và độc lập. Trong ý nghĩa đó, nhân học triết học đối lập với khu vực tri thức triết học truyền thống - bản thể luận (học thuyết về tồn tại), logic học, lý luận nhận thức, lịch sử triết học, đạo đức học, thẩm mỹ học, triết học tự nhiên, triết học xã hội, triết học lịch sử” .
Như vậy, xu hướng nghiên cứu phức hợp - liên ngành về con người được nảy sinh từ thực tiễn và sâu xa hơn, từ bản thân đối tượng nghiên cứu. Tính độc đáo, tính bí ẩn và tính phong phú của con người, một thực thể vừa tự nhiên, vừa xã hội, vừa tinh thần là điều kiện lý tưởng cho các nhà khoa học triển khai tư tưởng của mình về cách tiếp cận phức hợp - liên ngành. Vậy các nhà khoa học đã quan niệm thế nào về cách tiếp cận phức hợp - liên ngành trong nghiên cứu con người.

IV. Tư duy phức hợp về con người 

1. Gắn liền với nghiên cứu hợp ngành là phương pháp nghiên cứu phức hợp và người ta còn nói đến một trình độ tư duy phức hợp về con người. Theo E. Morin, từ những năm 70 (thế kỷ XX), khoa học đã chuyển sang nỗ lực tìm kiếm một xu hướng mới nhằm hiểu được homo sapiens demens với bộ óc gồm "hàng trăm tỷ tế bào thần kinh và nhiều triệu triệu liên kết giữa các tiếp điểm tế bào thần kinh (synaptic connection) "
Trong số các xu hướng tìm kiếm này, E. Morin nhắc tới các lý thuyết về tự tổ chức của Foerster & Zopf, 1962; các lý thuyết về tính phức hợp của Bronowski, 1969; Von Newmann, 1966; và các lý thuyết về phép biện chứng phổ quát liên quan đến entropi và tính tổ chức (nên chú ý rằng, E. Morin đánh giá cao một số nhà khoa học Xô viết thời Liên Xô).
Rõ ràng, gương mặt điển hình cần phải kể đến trong số những người thiết tha với cách tiếp cận phức hợp - liên ngành nói chung và với tư duy phức hợp về con người nói riêng, theo chúng tôi, phải là E. Morin, Chủ tịch Hiệp hội tư duy phức hợp (Association for Complex Thought), người đã viết một công trình đồ sộ gồm 4 tập về phương pháp (La méthode. Paris, 1981, 1985, 1991, 1992) trong đó có bàn đến tư duy phức hợp và một chuyên luận riêng về tư duy phức hợp (Introduction à la penssée complexe. Paris, 1990). E. Morin cho rằng, cần phải "tái cấu trúc" lại các khoa học nhằm "xây dựng nhân học với tính cách là khoa học đa chiều (liên kết trong nội bộ bản thân những chiều cạnh sinh học, xã hội hoá, kinh tế sử học và tâm lý) tìm kiếm cách thức phơi bày tính thống nhất và đa dạng phức hợp của loài người... Việc tái cấu tạo đó sẽ phải tiến hành trong sự quá độ đi từ tư duy đơn giản, què quặt, biệt lập, liệt kê và trừu tượng để vươn tới các nguyên lý của tư duy phức hợp" (pensée complexe-người trích nhấn mạnh). Nội dung của tư duy phức hợp về con người được E. Morin hình dung là: “Con người phải dành vị trí cho thần thoại, cảm thức, tình thương, nỗi niềm nhớ tiếc và cần xem xét những nội dung ấy bằng lý tính. Lý tính đích thực cần biết rõ những giới hạn của logic, của tất định luận và cơ giới luận; nó cũng phải thấu hiểu rằng tâm trí người ta chẳng phải là hiểu biết đủ mọi chuyện và cũng công nhận điều bí hiểm của thực tại” .

2. Với các học giả Nga đương đại, nghiên cứu phức hợp - liên ngành về con người không có nghĩa là đồng thời nghiên cứu tất cả các mặt về con người. Hầu hết đều hiểu một tham vọng như thế sẽ không tránh khỏi rơi vào không tưởng. Trong nghiên cứu phức hợp - liên ngành, điều khác biệt trước tiên là nhiệm vụ nghiên cứu sẽ rộng hơn so với mỗi chuyên ngành và có sự tác động của các phương pháp vay mượn từ các ngành khác, làm đối tượng lộ ra những thuộc tính mà trong khuôn khổ nghiên cứu chuyên ngành không thể có được. Nghiên cứu phức hợp - liên ngành không phải là các ngành được đặt bên cạnh nhau, mà là các ngành tích hợp với nhau, làm con người thể hiện ra như là nó trong thực tế…
Cần lưu ý rằng, kế thừa và tham khảo M. Scheler, nhưng tương đối độc lập với E. Morin, ở Nga đã có một dòng tư tưởng tương tự như E. Morin, nhưng còn quyết liệt hơn trong việc đi theo hướng tiếp cận phức hợp - liên ngành để nghiên cứu con người và xây dựng một khoa học thống nhất về con người . Người nhiệt thành với cách tiếp cận phức hợp - liên ngành trong nghiên cứu con người và có công đầu trong việc xây dựng các tổ chức nghiên cứu con người ở Nga là I.T. Frolov (1929-1999), Viện sỹ VHLKH Nga, nguyên Chủ tịch Hội triết học Nga và Viện trưởng đầu tiên của Viện Con người, Nga. Ông chính là người triệt để nhất và quyết liệt nhất với chủ trương xây dựng một khoa học thống nhất về con người.

3. Theo I.T. Frolov, những ý tưởng về sự cần thiết phải thống nhất khoa học, nghệ thuật với các tri thức ngoài khoa học để khám phá con người đã được hai nhà văn vĩ đại L.N. Tolstoi, A.M. Gorki và Viện sỹ N. Bekhterev đề xuất từ rất sớm. I.T. Frolov cho biết, “Tolstoi là người đã từng phát biểu gay gắt về một khoa học mang tính khoa học. Ông nguyện hiến mình phụng sự khoa học đó - khoa học về sự chung sống của con người với con người” . Vào đầu những năm 30 (thế kỷ XX), tại ngôi nhà của mình ở Ribusinski, A.M. Gorki đã cùng với một nhóm các nhà sinh học, bác sỹ và một số nhà hoạt động xã hội theo những nghề nghiệp rất khác nhau, trực tiếp phác thảo xây dựng một thiết chế hoạt động khoa học phức hợp để nhận thức con người. Lúc đầu, thiết chế này được gọi là “liên hợp khoa học, nghệ thuật và lao động”. Sau đó A.M. Gorki gọi là Viện con người. Cương lĩnh của A.M. Gorki về Viện con người được soạn thảo khá chi tiết gồm 6 phần, trong đó phần thứ 5 là xây dựng “một khoa học phức hợp thống nhất về con người” với những nội dung mà bây giờ xem lại có lẽ vẫn chưa lạc hậu - khoa học ấy được A. M. Gorki gọi bằng một thuật ngữ ghép “tri thức về con người”.
Được khích lệ to lớn bởi tư tưởng của L.N. Tolstoi và A.M. Gorki, cùng với điều đó là việc nhận ra tính hợp lý của cách tiếp cận phức hợp được tiến hành trong những nghiên cứu Ưu sinh học ở Nga những năm 30, I.T. Frolov chủ trương phải nghiên cứu "con người trong tính toàn vẹn của nó". Ông cho rằng, các kiến thức sinh học, y học, não học, triết học, xã hội học, đạo dức học.. và cả lối phản ánh con người một cách đặc thù của nghệ thuật, của tôn giáo và của ý thức thường ngày... cũng phải được sử dụng để khám phá con người. Sự liên kết giữa các khoa học với các phương thức đặc thù trong nhận thức con người sẽ cho phép giải mã những chỗ giáp ranh bí ẩn về con người. I.T. Frolov viết: "Chúng ta có thể nói như sách mọi chuyện về con người - chẳng hạn như tim, gan, và các cơ quan khác của nó hoạt động như thế nào; nhưng các cơ quan đó liên kết với nhau như thế nào và chúng hợp nhất với các phẩm chất người ra sao để tạo thành những nhân cách thì chúng ta hầu như không biết. Chúng ta có thể công nhận những nhân tố nào đấy đóng vai trò là quan trọng và đôi khi là quyết định. Song điều đó tuyệt nhiên không đủ. Chính ở chỗ giáp ranh giữa các vấn đề y, sinh, tâm lý, đạo đức, xã hội... đã xuất hiện những điều chủ yếu, cái chưa được nghiên cứu trong khoa học của chúng ta. Điều đó bắt buộc khoa học của chúng ta phải đặt ra những nhiệm vụ hoàn toàn mới. Chúng ta có thể nghiên cứu, chẳng hạn, những dạng khác nhau của hiện tượng chảy máu; nhưng liệu nhà sinh lý học, nhà tâm lý học, hay nhà y học có thể nói gì về việc có kẻ giết người chỉ bằng lời nói" .
Xin nói thêm rằng, dưới sự chỉ đạo của Viện sỹ I.T. Frolov, nghiên cứu phức hợp về con người ở Nga không chỉ được tiến hành trong các công trình khoa học, mà còn được đảm bảo bằng việc thành lập một thiết chế xã hội cụ thể. Viện Con người thuộc VHLKH Nga chính thức được khai sinh năm 1992. Nhưng trước đó, năm 1990, tổ chức tiền thân của nó là Trung tâm khoa học về con người cùng tờ tạp chí Con người đã ra mắt tại Nga. Theo ý đồ đã được phê duyệt, Trung tâm khoa học về con người là một tổ chức khoa học rất lớn, có lẽ là một kiểu tổ chức độc nhất vô nhị trên thế giới. Trụ sở của nó cũng đã được khởi công xây dựng tại một địa điểm đẹp và sang trọng ở Mátxcơva. Tiếc rằng, các sự kiện năm 1991 tại Nga đã làm tan vỡ ý đồ này. Hiện nay, Viện Con người ở Nga cũng là một tổ chức nghiên cứu khoa học tương đương như các viện khác tại Viện Hàn lâm, song chỉ bằng một phần nhỏ của đồ án Trung tâm khoa học về con người.
Có thể thấy rất rõ ý tưởng của I.T. Frolov là sự tiếp tục quan niệm của Mác năm 1844 về sự thống nhất giữa khoa học tự nhiên với các khoa học về con người. Và dường như, I.T. Frolov có phần nghiêng về phía lập trường của anthropocentrism.

4. Như vậy, trải qua hơn nửa thế kỷ nếu tính từ M. Scheler, hoặc trải qua hơn 30 năm nếu tính từ E. Morin và I.T. Frolov, nhu cầu nghiên cứu phức hợp về con người và sự triển khai cách tiếp cận phức hợp - liên ngành trong nghiên cứu con người đã tỏ rõ là một đòi hỏi khách quan của sự tiến triển khoa học. Theo hiểu biết của chúng tôi, hiện nay, bên cạnh các chuyên gia nhẫn nại triển khai phương thức nghiên cứu này trong các công trình cụ thể của mình, đã có một số trung tâm khoa học trực tiếp điều phối và khuyến khích người nghiên cứu đi vào theo cách tiếp cận này, chẳng hạn, Institute for Humane Studies, Hoa Kỳ; Maison des sciences de l' Home, Pháp.

Tuy nhiên, những kết quả cụ thể của khoa học sau một số năm triển khai nghiên cứu theo xu hướng này, có thể nói, vẫn còn rất khiêm tốn. Cho đến nay, theo đánh giá của giới khoa học Nga, cách tiếp cận phức hợp - liên ngành cũng vẫn chưa vượt ra khỏi khuôn khổ của ý đồ có tính chất lý thuyết. Sự bổ sung của các phương thức nghiên cứu ngoài khoa học lấy từ nghệ thuật, tôn giáo, trực giác và các thủ pháp tâm linh… tuy rất phong phú song vẫn chưa thực sự gắn kết hữu cơ với các phương pháp khoa học để nghiên cứu con người. Trong thực tế tiến hành những nghiên cứu phức hợp cụ thể về con người, các tác giả Nga vẫn khá lúng túng và vẫn một lần nữa sa vào những hạn chế, thậm chí cả những hạn chế đã được lường trước. Về tình trạng này, B.G. Yudin, Viện trưởng Viện Con người, VHLKH Nga nhận xét: “Mặc dù đến nay, đã có những kinh nghiệm hay được đưa ra làm công cụ cơ bản để xác định lĩnh vực đối tượng cho thỏa đáng, song khái niệm con người với tính cách là “thực thể sinh học-xã hội”, là “tiểu vũ trụ”, thậm chí, là thực thể “vũ trụ-tâm-sinh lí-xã hội” - tất cả, hoặc là, vẫn mới chỉ dừng lại ở trình độ những kiến giải cực kỳ chung chung, hoặc là, một lần nữa, lại được nghiên cứu theo những hướng quá chuyên biệt” .
Có lý do để nói rằng, một trình độ sâu sắc hơn và thiết thực hơn trong việc sử dụng cách tiếp cận phức hợp - liên ngành để nghiên cứu con người, vẫn còn phải chờ ở những bước đi tiếp theo của khoa học.

V. Tạm kết

Điều vừa nói ở trên dường như trái với tư tưởng chung của toàn bài này - chúng tôi đã nêu ra những kết quả còn hạn chế làm hoài nghi sức mạnh của phương thức nghiên cứu phức hợp - liên ngành về con người. Vâng, đó là ý đồ của người viết nhằm tránh cái nhìn một chiều về phương pháp tư duy hiện đại mà bất cứ ai có ý định nghiên cứu con người cũng đều phải học để sử dụng. Chúng tôi đề cao E. Morin, trân trọng những đóng góp đáng kể của ông trong suốt mấy chục năm trăn trở với tư duy phức hợp về con người. Song chúng tôi cũng cảm thấy không thỏa đáng chút nào khi E. Morin nhận định về Pascal, Kierkegaard và Heideger (đoạn trích ở giữa bài này) rằng, "Pascal, Kierkegaard và Heideger chưa một lần thành công trong việc nối liền thể nghiệm chủ quan với tri thức nhân học". Chúng tôi muốn so sánh trường hợp của Pascal, Kierkegaard và Heideger về cái gọi là "căng thẳng hiện sinh" với trường hợp của E. Morin về "phương thức tư duy phức hợp - liên ngành". Nếu coi là thành công thì hai trường hợp này thành công tương tự như nhau (dĩ nhiên, tầm cỡ của Pascal, Kierkegaard và Heideger cao hơn E. Morin rất nhiều). Còn nếu coi là thất bại hay thì hai trường hợp này cũng thất bại tương tự như nhau. Vấn đề là ở chỗ, sức lay động của những chiêm nghiệm theo kiểu "căng thẳng hiện sinh" đã góp phần làm cho Pascal, Kierkegaard và Heideger mãi mãi ghi danh vào lịch sử triết học, mặc dù E. Morin coi đó là những tư tưởng chưa một lần thành công. Thật khó đo đếm sự thành công của một tư tưởng. Trường hợp E. Morin và phương thức tư duy phức hợp cũng na ná như thế. ít nhất thì cũng đã có một B.G. Yudin chưa coi việc ứng dụng tư duy phức hợp là thành công trong thực tế. Song E. Morin và những người có công nghiên cứu tư duy phức hợp vẫn cứ có vị trí của mình trong vương quốc học thuật. Điều này quả thật là thú vị - cái thú vị có liên quan đến sự bí ẩn của con người - dù thành công hay thất bại thì Pascal, Kierkegaard và Heideger vẫn cứ nổi tiếng là những nhà triết học hàng đầu của nhân loại.
Chúng tôi xin kết thúc bài này bằng lời bàn về sự bí ẩn sang trọng và quyến rũ ấy. Con người là một bí ẩn (F. M. Dostoievski) - Đó chính là lý do sâu xa khiến con người vẫn còn phải đi tìm phương pháp để nghiên cứu con người. Giả dụ, có một ngày nào đó con người sẽ tìm ra phương pháp hoàn hảo để nghiên cứu chính mình. Vậy ngày đó mọi bí ẩn của con người sẽ được khám phá và con người sẽ hết bí ẩn? Không, hết bí ẩn con người không còn là con người. Với suy nghĩ như thế chúng tôi xin đồng tình với ý kiến của V.E. Đaviđôvich, một học giả Nga nổi tiếng: "Ngay cả khi tất cả các vấn đề khoa học đã được giải đáp thì bí ẩn của con người vẫn chưa được đụng đến" .
Tại sao lại chưa được đụng đến? Xin mời các nhà nghiên cứu gần xa bàn luận và người viết bài này cũng sẽ cố gắng nêu ý kiến của mình trong một dịp khác.

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

Thứ Tư, 5 tháng 8, 2015

Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015

Cảm xúc đến từ tim hay não?

Khi một người được lắp vào một trái tim mới thì tâm lý anh ta cũng biến đổi khác thường. Tại sao? Câu trả lời sẽ tiết lộ một sự thật bất ngờ về cơ thể chúng ta, David Robson cho biết.

http://www.bbc.com/vietnamese/culture_social
 /2014/12/141214_mind_heart_feelings_vert_fut

Bạn có bao giờ thử cảm nhận trái tim mình?

Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2015

Chàng trai 21 tuổi và sáng kiến dọn sạch đại dương trong chỉ 10 năm


 

Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

10 cảnh đẹp tự nhiên kỳ lạ nhất trên thế giới

Bàn tay tạo hóa thật kì diệu. Những cảnh đẹp dưới đây được cho là đều được hình thành do tự nhiên. Tuy nhiên, cũng có một số nơi sẽ làm bạn tự hỏi “Có phải do tự nhiên thật hay không?” bởi vì chúng giống như được ai đó sắp đặt, từ rất lâu rất lâu rồi…

http://www.meovat24h.com/2015/06/10-canh-ep-tu-nhien-ky-la-nhat-tren-gioi.html

Quốc hội sẽ mở cửa để nhân dân vào nghe đại biểu thảo luận

Thiếu nhi vào tham quan tòa nhà Quốc hội chiều ngày 10/6

http://dantri.com.vn/chinh-tri/quoc-hoi-se-mo-cua-de-nhan-dan-vao-nghe-dai-bieu-thao-luan-1090546.htm 

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

Murphy: định luật bánh bơ

Định luật Murphy khẳng định: nếu một điều xấu CÓ THỂ xảy ra, nó SẼ xảy ra, và vào thời điểm tệ nhất có thể!


Nếu người Việt có thành ngữ: “họa vô đơn chí” thì người Mỹ cũng có “Định luật Murphy” (Murphy’s Law) vô cùng thông dụng.
 

Khi chuyên gia tên lửa Edward A. Murphy thất bại trong một thí nghiệm tưởng chừng không thể sai sót chỉ vì một nhầm lẫn cực hy hữu, ông đã phải thốt lên: nếu một điều xấu CÓ THỂ xảy ra, nó SẼ xảy ra! (Anything that can go wrong, will go wrong). Thế là định luật Murphy ra đời và sau vài tháng trở nên cực kỳ nổi tiếng trong ngành kỹ thuật vũ trụ.
 
Định luật Murphy còn được gọi là “định luật bánh bơ”, bởi Edward A. Murphy đã dùng hiện tượng “bánh mì phết bơ” để chứng minh ra nó vào năm 1949. Hãy tưởng tượng, nếu bạn đánh rơi miếng bánh sandwich thơm ngon có trét bơ lên một mặt. Chắc chắn trong đa số lần, miếng bánh của bạn sẽ rơi úp mặt có bơ (mặt ngon nhất) xuống đất.
Việc xấu có xác suất xảy ra cao

Đọc tiếp tại Link sau: http://www.cesti.vn/suoi-nguon-tri-thuc/murphy-dinh-luat-banh-bo.html

Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

Nghiên cứu của Mỹ: Trái đất bước vào “giai đoạn tuyệt chủng mới”

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Pixabay)
 Theo BBC, một nghiên cứu gần đây của ba trường đại học Mỹ đã đưa ra kết luận rằng trái đất đang bước vào một giai đoạn tuyệt chủng mới, và con người là một trong những sinh vật đầu tiên bị diệt vong. 

https://daikynguyenvn.com/khoa-hoc/nghien-cuu-cua-my-trai-dat-buoc-vao-giai-doan-tuyet-chung-moi.html 

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

Thủ tướng Ấn Độ cùng hàng triệu người tập yoga nhân Ngày quốc tế yoga

Chữ Tâm của nhà báo trong bối cảnh lịch sử hôm nay

Trần Văn Chánh 
Văn Hóa Phật Giáo, số 227 (15.6.2015)

Sau khi kể lể lại một cuộc bể dâu bằng hơn ba ngàn câu thơ lục bát, Nguyễn Du cũng chỉ kết luận cho kiệt tác Truyện Kiều của mình bằng một chữ “Tâm” đơn giản (Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài...). Mà thật, chữ Tâm đơn giản chỉ có nghĩa là “tấm lòng”, hơi khác với hai chữ lương tâm để chỉ ý thức đạo đức nhờ đó mà mỗi người có khả năng tự đánh giá và điều chỉnh hành vi của mình cho hợp với những quy tắc đạo đức có tính phổ biến. Trong số những nhà triết học phương Đông cổ đại, có lẽ Mạnh Tử (372 - 289 TCN) là người bàn đến chữ Tâm nhiều nhất, và theo ông cả bốn đức nhân, nghĩa, lễ, trí đều thuộc về tâm - đó là lòng trắc ẩn, lòng thẹn-ghét, lòng từ nhượng (biết từ chối và nhường nhịn), và lòng biết phân biệt phải trái; có bốn đức ấy rồi kể như có lương tâm, hiểu theo nghĩa gốc là lòng thiện của con người.
Nói về nghề làm báo, viết báo thì chữ Tâm có ý nghĩa rất quan trọng, đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt hướng dẫn hành vi và quyết định của nhà báo để đạt đến chân, thiện, mỹ. Trong trận bút trường văn, nhà báo cũng có một số điểm tương tự như nhà văn về phương diện tác nghiệp (ngòi bút, ngôn ngữ...), nên ngoài phần văn tài họ còn phải có văn tâm (cái tâm của văn), thiếu yếu tố sau này thì văn chương của họ dù hay ho đến đâu cũng không có hồn hướng rõ rệt, nếu không muốn nói vô ích, vì không phục vụ được cho cuộc nhân sinh ngày một thêm tốt đẹp, hài hòa.
Cái tâm của nhà báo mọi thời có thể hiểu bao gồm cả thiện tâm (lòng tốt), nhiệt tâm, công tâm, và nhất là hùng tâm (tâm chí hào hùng mạnh mẽ, muốn làm được những việc hữu ích cho đời), vì nếu thiếu hùng tâm thì nhà báo sẽ trở nên nhút nhát, cầu an, “rụt rè gà phải cáo”, không dám viết hoặc quyết định đăng những bài biết là có ích lợi cho công chúng nhưng lại sợ bị trù dập, thiệt thòi cho mình. Cái tâm của nhà báo cũng gắn liền với một số đức tính thuộc về luân lý chức nghiệp, nhờ đó mới có thái độ khách quan vô tư, can đảm bảo vệ sự thật đến cùng, không khuất phục trước uy vũ hoặc xu phụ cường quyền, hoặc thỏa hiệp và mị dân. Họ luôn yêu chuộng công bằng, dám chấp nhận lao tâm khổ trí và hi sinh, tránh được những điều trái ngược với đạo đức báo chí như khai thác những chuyện giựt gân để câu khách, phạm tội phỉ báng, mượn lý do “nghiên cứu-trao đổi”, “phản biện” dùng tư tưởng bảo thủ-giáo điều và lời lẽ xấc láo thiếu văn hóa phê bình theo kiểu vùi dập, chụp mũ chính trị đối với những người có “ý kiến khác”, hoặc xâm phạm đời tư của công dân, viết lăng nhăng tục tĩu, nói láo ăn tiền...
Cái tâm của nhà báo giúp cho họ luôn giữ được sự thăng bằng đúng mực, tôn trọng và bảo vệ con người, không vì bất cứ lý do gì mà có thể công bố những lời tố cáo không chính thức ảnh hưởng đến uy tín, đạo đức hoặc xâm phạm vào tâm tư, quyền lợi riêng của cá nhân mà không minh chứng được sở dĩ như vậy là vì lợi ích của công chúng, chứ không phải vì tính tò mò của công chúng. “Một tờ báo không thể tránh khỏi bị kết tội là thiếu trung thực nếu một khi nó bày tỏ mục tiêu đạo đức cao cả mà lại có khuyến khích đối với các hành vi thấp hèn, như có thể thấy trong việc miêu tả chi tiết các tội ác và thói trụy lạc” (“Những nguyên tắc của nghề báo”, trong quyển Bước vào nghề báo, NXB. Trẻ, 2003, tr. 359). Một nhà báo có lòng do vậy luôn cân nhắc, nghĩ tới hậu quả của những việc mình làm, như lời nhắc nhở sau đây của hai nhà báo lão luyện - Leonard Ray Teel và Ron Taylor, tác giả của quyển sách vừa dẫn : “Ngay cả bọn trộm cướp cũng có gia đình. Cố gắng đặt bạn vào vị trí của những người bạn viết đến. Hãy nhớ rằng bạn có thể đang hủy hoại một đời người, khiến cho người ta vào tù, hoặc làm cho người ta thành kho gây cười cho những người ngang hàng”. Một lời khuyên thật nhân đạo cho những người làm báo.

Chắc có người còn nhớ câu chuyện xảy ra hơn 20 năm trước, hồi tháng 5.1993, giới báo chí Pháp và cả dư luận thế giới đã bị xúc động mạnh về cái chết của Bérégovoy (1925-1993), cựu thủ tướng Pháp. Ông đã tự tử vì tờ Le Canard Enchainé (Con vịt xiềng) tố cáo ông đã mượn số tiền 1 triệu francs không trả lãi của một người bạn để mua nhà trong thời kỳ ông còn là dân biểu ở tỉnh Nièvre. Ông Bérégovoy là một người chính trực, xuất thân bình dân nên việc ông chọn cái chết trong trường hợp nêu trên đã gây nhiều xúc động khiến người ta phải đặt kỹ lại vấn đề lương tâm và trách nhiệm của báo chí, cách thức của báo chí trong việc đưa tin và phê bình chỉ trích khi đụng đến trường hợp của một số cá nhân riêng biệt. Mọi sự chỉ trích cay độc bất chấp sự nghiên cứu sâu xa về con người hiểu như một sinh vật phức tạp tế nhị, một sản phẩm tổng hòa tích hợp từ hàng trăm mối quan hệ hình thành nhân cách, có lẽ không phải là cách chọn lựa của một nhà báo chân chính, vì bất cứ lý do nào.
Ở Việt Nam, vào năm 1990, cũng có một vụ đau lòng làm nhức nhối lương tri xã hội, tương tự câu chuyện về ông Bérégovoy nhưng tình tiết hơi khác, do sự thiếu tế nhị (nếu không muốn nói thiếu lương tâm và vi phạm đạo đức nghề nghiệp) của nghề báo gây ra. Đó là vụ án bia ôm Đường Sơn Quán (Thủ Đức) dính đến người cha là sĩ quan công an bị đưa hình lên báo, khiến đứa con gái 16 tuổi phải uống thuốc độc tự tử vì không chịu nổi tình cảnh nhục nhã khi nghe bạn bè trong lớp đàm tiếu về người cha mà em vốn cho là lý tưởng của mình, còn người vợ của viên sĩ quan đó thì cũng dở điên dở khùng vì xấu hổ…
Xét về phương diện cái tâm thì tài năng, sự thăng tiến nghề nghiệp và tiền bạc kiếm được cũng chưa phải là những tiêu chuẩn chính để đánh giá một nhà báo. Cũng không phải luôn luôn ạch đụi, nghèo rớt mồng tơi mới là nhà báo tốt, nhưng đôi khi danh lợi, tham vọng thăng tiến nóng vội và thái độ bất chấp thủ đoạn trong nghề lại đồng nghĩa với tội ác, thậm chí tội sát nhân. Năm 1934, một tấn thảm kịch cũng đã xảy ra trong chính giới Pháp mà kẻ chủ động là Carbuccia, chủ nhiệm tuần báo Gringoire với sự cộng tác, câu kết đắc lực của nhà báo Henri Béraud. Anh này vì ham tiền của chủ và muốn mau được nổi tiếng nên đã nhẫn tâm đặt điều vu cáo, vu khống Salengro là một tên lính đào ngũ. Salengro là một chiến sĩ xã hội lúc đó đang giữ chức bộ trưởng Bộ Nội vụ cho chính phủ Léon Blum, đã chọn cái chết để thanh minh cho mình. Sau đó người ta được biết ông chủ nhiệm của Béraud chính là con rể của Jean Chiappe, Đô trưởng cảnh sát Ba Lê vốn là kẻ thù nghịch với nhà cách mạng xã hội Salengro. Thì ra ông chủ nhiệm muốn làm vừa lòng cha vợ, còn anh nhà báo thì vì số tiền thưởng kếch xù đã nhẫn tâm chửi mướn ăn tiền gây ra cái chết cho một nhân vật lỗi lạc của nước Pháp. Béraud sau việc làm này quả nhiên tiếng tăm nổi như cồn, nhưng một hôm anh ta nhận được bức thư với tuồng chữ quen quen của hai bạn đồng nghiệp là Pierre Scize và Louis Roubaud, trước đó bốn năm ở tỉnh Lyon là bạn học của Béraud lúc hàn vi và cả ba đã từng hẹn nhau bước vào nghề báo trong tinh thần thi đua xem ai đến đích trước. Nội dung của bức thư chỉ có mấy dòng ngắn ngủi: “Mày đúng là đứa đã đến trước nhất, nhưng không phải là nơi chúng tao mong chờ ở mày. Vĩnh biệt”. Câu chuyện này nhà báo lão thành Trần Tấn Quốc (1914 - 1987) đã có lần kể lại cho các sinh viên nghe trong một buổi nói chuyện để nhắc nhở các bạn trẻ nuôi mộng làm báo về cái tâm của một nhà báo chân chính, có ghi lại đầy đủ hơn trong quyển Trần Tấn Quốc, bốn mươi năm làm báo (của tác giả Thiện Mộc Lan, NXB Trẻ, 2000).
Nói về cái Tâm của nhà báo nhân Ngày Nhà báo Việt Nam 21.6, mà nội dung phong phú hơn nhiều liên quan đến cả vận nước và tương lai dân tộc chứ không chỉ có lòng trắc ẩn đối với một vài cá nhân, đặc biệt trong bối cảnh lịch sử hôm nay, chúng tôi xin trích lại mấy lời tâm huyết sau đây của một nhà báo lão thành đã quá cố:
“... Những ai muốn bước vào nghề báo, có lẽ từ lúc vỡ lòng cho tới khi buông bút, không nên nghĩ đây là một cái nghề để cầu danh, cầu lợi, mà là phương tiện để ‘hành đạo’... Những nhà báo có uy tín thường là những người không bao giờ rời sự thật (sự thật nguyên nghĩa khoa học của nó). Họ phải trần ai lai khổ, thậm chí phải ‘bỏ mạng’ để tìm đến với sự thật và bảo vệ nó. Sự thật là hạt nhân làm nổ những trái bom thông tin nhằm giải phóng các xã hội ra khỏi sự kiềm tỏa hữu hình và vô hình, đưa con người và xã hội tiếp cận với chân lý, thức tỉnh thường trực trách nhiệm của giới hữu trách, của mỗi công dân và cộng đồng, vun đắp nhân bản, nuôi dưỡng cái thiện, chống cái ác, cái xấu, cái gian dối... Người cầm bút vượt qua bao cửa ải của quyền lực cá nhân, để tôn vinh quyền lực của cộng đồng, và để không dễ dàng bị biến thành ‘bồi bút’... Những ai quay lưng trước sự thật xin chớ bước vào nghề báo”.
Đoạn vừa trích dẫn là lời bạt của nhà báo Bến Nghé (còn có bút danh Khả Minh) đặt ở cuối cuốn sách Bước vào nghề báo đã dẫn trên, trong đó tác giả lặp đi lặp lại nhiều lần hai chữ “sự thật”, coi việc tôn trọng sự thật và nỗ lực tìm kiếm sự thật của người viết báo, làm báo như là một trong những thuộc tính căn bản nhất của nghề nghiệp. Thiếu thuộc tính này thì nghề báo sẽ không thể phân biệt được với những nghề nghiệp khác, do vậy nó cũng không thực hiện được chức năng, vai trò mà đáng lẽ nó phải có như xã hội đã phân công cho nó. Song hai chữ “sự thật” đối với người viết báo, làm báo tự thân nó cũng mang nhiều ý nghĩa phong phú, phức tạp, rất tùy thuộc vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể mà các chủ thể của nghề nghiệp đang sống và làm việc. Có những sự thật thuộc thông tin đơn thuần đương nhiên cần được phản ảnh đúng, không thể làm khác, nhưng cũng có những sự thật thuộc phạm vi xử lý và bình luận các thông tin, đòi hỏi sự phân tích ở chiều sâu hơn nhằm gợi ý giúp cho độc giả thấy được tầng sâu bản chất của sự vật, cũng như nguyên nhân gốc rễ của mọi hiện tượng tiêu cực làm cho xã hội băng hoại và đẩy dân chúng vào cảnh lao đao lận đận trong vòng tăm tối không lối thoát. Điều này đòi hỏi các nhà báo vừa phải trung thực, vừa có những cách biểu hiện đầy nghệ thuật và khôn khéo. Nếu hoàn cảnh ít thuận lợi hơn, chẳng hạn như phải hoạt động trong điều kiện một chính quyền nào đó không biết tôn trọng dân chủ, hoặc chỉ tôn trọng dân chủ một cách giả hiệu, mị dân, thì ngoài tính trung thực, các nhà báo còn phải có lòng can đảm nữa. Xét cho cùng, cả hai đức tính này đối với nhà báo (tính trung thực và lòng can đảm) cũng chỉ là một, hoặc chúng có quan hệ biện chứng với nhau, không thể tách rời nhau.
Nhà báo vì thế không chỉ yêu sự thật mà còn phải ra sức bảo vệ sự thật nữa. Họ không chỉ cần sự tinh thông nghề nghiệp với lương tâm trong sáng mà còn dám mạnh dạn đề xuất sáng kiến, đặt ra những vấn đề bức xúc xã hội cần giải quyết, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ, chứ không nên chỉ thụ động chờ đợi cho đến khi có cấp thẩm quyền nào đó “bật đèn xanh” rồi cứ thế tìm cách “té nước theo mưa” cho an toàn bản thân. Đây vừa là trách nhiệm vừa là lương tâm của người cầm bút, thể hiện một cách cụ thể trong quá trình viết lách, biên tập và quyết định bài vở, trên cơ sở coi lợi ích của nhân dân là luật pháp tối thượng mà không hề khuất phục bất kỳ một thế lực nào.
Nếu tính trung thực luôn gắn liền với lòng can đảm thì lương tâm và trách nhiệm cũng thế, không thể tách rời nhau được. Cũng trong lời bạt của quyển sách nghề báo nêu trên, chúng ta còn đọc thấy lời của nhà báo-nhà văn-nhà sử học Pháp lão thành Jean Lacouture (sinh năm 1921) được trích dẫn, lấy từ bản tiếng Việt của tạp chí Người đưa tin UNESCO (tháng 9.1990, tr. 13) : “Nhà báo là một sinh vật có một lương tâm mà không một ông trùm báo chí nào, không một hệ tư tưởng thống trị nào, không một sự đồng lõa với phe đảng nào khuất phục được hoàn toàn”.
Nguồn: Văn Hóa Phật Giáo, số 227 (15.6.2015)