Thưa tiến sĩ Adler, Có thật là có tri thức không hay tất cả
đều là thường kiến?
Hình ảnh của thế giới và lối sống của chúng ta đã thay đổi
quá nhiều trong năm mươi năm qua khiến tôi băn khoăn không biết chúng ta có thể
có được tri thức chắc chắn về một điều gì đó không? Phải chăng hầu hết những gì
người ta gọi là tri thức thật ra chỉ là thường kiến?
F.S.
F.S. thân mến,
Hầu hết chúng ta đều biết thế nào là một thường kiến. Chúng
ta thấy rằng những ý kiến của chúng ta là niềm tin mà người khác không thể chia
sẻ. Chúng ta đã quen nghe những người bất đồng với chúng ta nói, “Đó chỉ là ý
kiến của anh” (hoặc “quan điểm của anh”). Ngay cả khi chúng ta đưa ra một ý kiến
có căn cứ vững chắc, chúng ta thường vẫn cảm thấy đôi chút hoài nghi về nó.
“Tôi có lý do chính đáng để tin như thế,”chúng ta nói, “nhưng tôi không thể cam
kết là chắc chắn.”
Do đó, có ba đặc trưng của thường kiến:
(1) Chúng nói lên những khả hữu hơn là những điều chắc chắn.
(2) Chúng có thể bị nghi ngờ.
(3) Những người thích suy luận vẫn có thể bất đồng trong ủng
hộ hai thường kiến đối lập nhau.
Xưa nay chủ nghĩa hoài nghi vẫn cho rằng mọi thứ đều là thường
kiến, tất cả đều có thể còn tranh cãi. Thậm chí những kẻ hoài nghi cực đoan còn
giảm trừ những thứ như toán học và khoa học thành thường kiến. Ví dụ, họ chỉ ra
rằng, hệ thống của khoa hình học hình thành trên những giả thiết, vì vậy những
giả thiết khác cũng có thể được thiết lập và những hệ thống hình học khác có thể
đã ra đời. Khoa học thực nghiệm, ở đỉnh cao của nó, nhà hoài nghi khăng khăng
nói, gồm toàn những khái quát hóa rất có thể đúng, nhưng đó không phải là những
điều chắc chắn bất khả nghi.
Đối lập với thuyết hoài nghi như thế là quan điểm của các
triết gia cổ Hy Lạp. Plato và Aristotle cho rằng con người có thể có được tri
thức thực sự về một số vấn đề nào đó. Trong chính bản chất của chúng, một số sự
vật thì tất yếu và không thể nào khác đi được. Ví dụ, trong bản chất của những
toàn thể và những thành phần, điều tất yếu là toàn thể luôn luôn lớn hơn bất cứ
thành phần nào của nó. Đây là điều chúng ta biết chắc chắn. Ngược lại, trong bản
chất của những người đàn ông lịch sự và những cô gái tóc vàng, không có gì tất
yếu làm cho những người đàn ông lịch sự luôn luôn thích những cô tóc vàng, và
vì thế đây chỉ là vấn đề thường kiến.
Sự khác nhau giữa tri thức và thường kiến cũng có thể được
diễn đạt bằng các thuật ngữ tâm lý học. Khi chúng ta được hỏi, “Những người đàn
ông lịch sự có thích các cô tóc vàng không?” hoặc “Đảng Cộng Hòa sẽ thắng trong
cuộc bầu cử sắp tới không?” chúng ta được tự do chọn lựa câu trả lời. Không có
gì trong câu hỏi bó buộc chúng ta trả lời Có hoặc Không. Nhưng khi chúng ta được
hỏi toàn thể có lớn hơn một thành phần của nó không, chúng ta không có sự lựa
chọn về câu trả lời. Nếu chúng ta tập trung tâm trí vào mối quan hệ giữa toàn
thể và thành phần, chúng ta chỉ có thể có một cách duy nhất để nghĩ về mối quan
hệ đó. Chính đối tượng mà chúng ta đang suy nghĩ tới sẽ quyết định tư duy của
chúng ta.
Điều này cung cấp cho chúng ta một chuẩn mực rất rõ ràng để
phân biệt điều chúng ta nói ra là tri thức hay thường kiến. Nó là tri thức khi
đối tượng mà chúng ta đang nghĩ đến buộc chúng ta phải nghĩ về nó theo một cách
nào đó. Lúc ấy điều chúng ta nghĩ không phải là ý kiến riêng của chúng ta.
Nhưng khi đối tượng của tư duy chúng ta để cho chúng ta tự do đi tới một quyết
định về nó, bằng cách này hay cách khác, lúc đó điều chúng ta nghĩ chỉ là thường
kiến – ý kiến riêng tư của chúng ta, nó được hình thành mà không bị cưỡng bách.
Ở đây, có thể có những ý kiến bất đồng với chúng ta.
Khi đã hiểu được sự khác biệt giữa tri thức và thường kiến,
chúng ta phải thừa nhận rằng hầu hết những tuyên bố của chúng ta là những thường
kiến. Tuy nhiên cần biết rằng những thường kiến cũng khác nhau về độ chắc thực.
Một vài tuyên bố dựa trên bằng chứng hoặc những lý lẽ xác đáng, mặc dù không phải
chung quyết, nhưng cũng làm cho chúng trở nên khả thủ. Những tuyên bố khác
không có căn cứ vững chắc, hoặc không dựa trên nền tảng nào cả mà chỉ là những
thành kiến đầy chủ ý của chúng ta.
Vì thế vấn đề còn bỏ ngỏ là lịch sử, toán học, khoa học thực
nghiệm, và triết lý nên được xếp vào tri thức hay thường kiến. Như chúng ta vừa
thấy, nhà hoài nghi cực đoan nói rằng cả bốn lĩnh vực ấy đều là thường kiến, mặc
dù họ thừa nhận chúng có nhiều trọng lượng hơn là những ý kiến riêng tư hoặc
thành kiến cá nhân. Tôi sẽ bảo vệ quan điểm ngược lại, đó là chúng ta có thể có
tri thức trong toán học và triết học, và có thường kiến rất có thể đúng trong
khoa học thực nghiệm và lịch sử.