Giới thiệu về tôi

Thứ Năm, 9 tháng 1, 2025

Trí Tuệ Cổ Nhân – Triết gia Mạnh Tử: Hạo Nhiên Chính Khí

 Chính khí hạo nhiên hay Hạo nhiên chính khí là chí đại chí cương, khí tiết thanh cao, khí cương trực chính đại, cũng là chính khí trong cuộc sống có khả năng phối nghĩa với Đạo sản sinh ra tâm nghĩa. Chính khí này đến từ chính tín, chính niệm, chính trực của con người, là phẩm cách cao quý không gì so sánh được mà mỗi người nên tu dưỡng, vun bồi.

Người chỉ cần có đủ khí hạo nhiên chí đại chí cương thì có thể siêu phàm thoát tục, cương trực không thiên lệch, thản nhiên thoải mái, ở trong cảnh ngộ gì cũng đều có thể bình chân như vại, ung dung tự tại tận hưởng làn gió vui tươi khiến người ta cảm thấy hạnh phúc vô bờ. 

Nguồn gốc về thuyết “Hạo nhiên chính khí”

Từ xưa các nhà Nho – Phật – Đạo đều chú trọng đến việc “dưỡng khí”, chỉ do quan niệm triết học khác nhau nên phương thức và nội dung không giống nhau. Nho gia tích cực trong việc bồi dưỡng phẩm cách con người, nhấn mạnh vào con người tự mình phải hàm dưỡng khí nhân nghĩa. Đạo gia chú trọng việc bồi dưỡng tính thiên nhiên của con người, đặt nặng vấn đề con người cần phải hàm dưỡng khí bản chất của mình. Phật gia coi trọng việc con người phải bồi dưỡng năng lực chịu đựng khốn khổ, nên nhấn mạnh vào việc tự mình phải hàm dưỡng khí bao dung nhẫn nại. Từ các quan niệm triết học sử thế, mỗi nhà đều có chủ thể nhân cách con đường đạo khác nhau, Nho gia chủ trường chân thành, Đạo gia có trạng thái phiêu dật, Phật gia đặt nặng vấn đề tu tập đúng. 

Về con đường tu dưỡng Nho – Phật – Đạo thì nhà Nho đặt nặng  vấn đề tu dưỡng cá thể con người nhất, vì chủ thuyết này lấy việc thúc đẩy xã hội làm tiền tuyến là nhiệm vụ chính, đòi hỏi mỗi cá thể phải cật lực bồi dưỡng nhân cách của mình để mang lại những điều tích cực cho hậu thế, làm cho xã hội đạt đến sự hài hòa cao độ. Từ quan điểm chủ đạo đó, chi phối thuyết Hạo nhiên chính khí của Triết gia Mạnh Tử.

Triết gia Nho giáo Mạnh Tử và thuyết “Hạo nhiên chính khí”

2.400 năm trước, Mạnh Tử từng nói: “Khí hạo nhiên là thứ quang minh chính đại nhất, mạnh mẽ vững vàng nhất, dùng liêm chính để bồi dưỡng thì không bị hao mất, có thể hiên ngang giữa trời đất. Khí hạo nhiên là thứ tương kết cùng Nghĩa và Đạo. Nếu đánh mất đạo nghĩa, khí hạo nhiên cũng sẽ biến mất theo. Khí hạo nhiên được bồi dưỡng thành nhờ vào thực hành đạo nghĩa bền bỉ, không phải hành nghĩa ngẫu nhiên nhất thời mà thành tựu được. Dưỡng thành không dễ, nhưng phá hoại lại rất dễ dàng, chỉ cần tâm bất chính là không còn gì hết.”

Học thuyết về khí hạo nhiên có nguồn gốc từ Triết gia Nho giáo Mạnh tử, Công Tôn Sửu: “Ta khéo nuôi dưỡng khí hạo nhiên của ta. Cái khí rộng lớn nhất, cứng cỏi nhất, nếu mình thuận theo lẽ thẳng mà bồi dưỡng nó, đừng làm tổn hại nó thì nó sẽ lan ra khắp trong trời đất này”.

Theo học thuyết này, một người có sức mạnh tinh thần của chính khí thì cho dù phải đối mặt với mọi cám dỗ hay mối đe dọa lớn nhỏ từ thế giới bên ngoài, người đó vẫn có thể giữ được sự bình tĩnh, trấn định mà không kinh sợ, người ấy sẽ đạt tới cảnh giới tinh thần cao thượng “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”, phú quý không làm rối loạn tâm tính, nghèo khó không làm thay đổi tiết tháo, quyền thế không khuất phục được ý chí”.

Song song với học thuyết từ Triết gia Mạnh Tử, chính khí hạo nhiên còn được nghiên cứu và đúc rút từ nhiều danh tướng, tướng lĩnh, ở một phạm trù và góc nhìn khác: “Hạo nhiên chính khí ngưng kết ở thiên nhiên chính là sông núi tráng lệ, là các vì sao hay mặt trăng mặt trời rực rỡ sáng lạn, còn ở nơi nhân gian thì biểu hiện là tấm lòng thản đãng rộng rãi, quang minh lỗi lạc, là cảnh giới tinh thần cương chính vô tư”.

Trong lịch sử có vô số nhân sĩ chất chứa trong lòng hạo nhiên chính khí của trời đất. Họ đã vẽ nên những bức tranh rực rỡ và sáng lạn về nhân sinh. Tinh thần “sống làm nhân kiệt, chết làm quỷ hùng” của Hạng Vũ, tinh thần hiên ngang lẫm liệt của Quan Vũ, tinh thần tinh trung báo quốc của Nhạc Phi, tinh thần không quan tâm đến quyền quý của Lý Bạch… đều là thể hiện hạo nhiên chính khí.

Hàm dưỡng chính khí Hạo nhiên

Muốn dưỡng chính khí hạo nhiên thì phải hợp với đạo nghĩa. Đạo nghĩa của Nho gia là “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”; đạo nghĩa mà Phật gia chỉ dạy là “Thiện”; đạo nghĩa mà Đạo gia chỉ dạy là “Chân”.… Đó đều là những giá trị phổ quát mà con người hướng tới và mong chờ, những giá trị mà người có tín ngưỡng cho rằng là tiêu chuẩn của Thần, của Phật, của Chúa… đặt định cho nhân thế. Điều hợp đạo nghĩa là đúng, là thiện, là chính; trái lại là sai, là ác, là tà. Ứng xử theo đạo nghĩa, tích lũy đạo nghĩa theo thời gian, hạo nhiên chính khí sẽ ngày càng tràn đầy.

Lấy Đức Dưỡng Phúc, Từ Bi Dưỡng Tâm, Khoan Dung Dưỡng Trí

Cổ nhân có câu “nhất chính áp bách tà”, điều này không chỉ đúng trong mối quan hệ giữa người với người, mà còn rất được coi trọng trong việc dưỡng sinh trường thọ. không chú trọng gìn giữ phẩm cách, buông thả cầu lạc, vì lợi ích cá nhân mà không từ thủ đoạn, tự mình hủy hoại chính khí của bản thân. Từ Đông y mà xét, thiếu chính khí sẽ khiến tà khí dễ dàng xâm nhập, từ đó bệnh tật đeo bám, khí đổi gió lay là nhức đầu cảm mạo. Thay vì đề cao hạo nhiên chính khí cho bản thân, trị tận gốc tâm bệnh, thì lại lệ thuộc vào y học hiện đại, tạo nên vòng tuần hoàn mệt mỏi.

Từ xã hội cho tới cá nhân, không coi trọng giá trị phổ quát, không chú tâm nuôi dưỡng chính khí hạo nhiên thì sẽ dẫn đến sự bất ổn. Khi vấn đề xảy ra trên quy mô lớn thì chính quyền độc tài lại tìm những biện pháp bề ngoài để trấn áp, khiến pháp luật ngày càng nặng nề, nhưng ung nhọt lại ngày càng nhiều hơn, không khác gì một con bệnh không thể nào chữa trị. 

“Lấy Đức Dưỡng Phúc, Từ Bi Dưỡng Tâm, Khoan Dung Dưỡng Trí” – Dưỡng tâm mà thiện ư quả dục, theo triết gia Mạnh Tử, con đường tu tập tốt nhất không hẳn là đôn đáo tầm sư học đạo về những chuyện thiên văn thế sự, cho bằng trước hết phải gia công tồn tâm dưỡng tính nơi tự ngã, nghĩa là giữ gìn cái tâm (Tứ Đoan) và nuôi dưỡng tính thiện (Tứ Đức) Trời ban. 

Một người nếu trong lòng không có chính tín và chính niệm thì không thể làm được cương trực không thiên lệch, cũng vĩnh viễn không thể đạt tới cảnh giới tinh thần siêu phàm thoát tục được. Trên con đường đời, bất kỳ ai cũng không nên quên tu tâm dưỡng tính, từng bước từng bước mở rộng tâm lượng và dung lượng của bản thân mình. Như vậy sẽ cảm nhận được chính khí luôn ở đó, đó cũng là con đường phản bổn quy chân của những người có Đạo.

Nguồn: Sưu tầm

Nguồn:https://vikoviethan.com/hao-nhien-chinh-khi/?fbclid=IwZXh0bgNhZW0CMTEAAR1yhUgSvtdmE5brM6keY4kN6xLUw-qhtUm-5qpFTqsGMzOlKLoz6to4NsY_aem_L3QbPGJaAQ3aWYafSQ-I5Q